Tạp chí Nghiên cứu lập pháp trong tôi

14/12/2020

TS. ĐỖ GIANG NAM

Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội.

LỜI TÒA SOẠN - Trải qua 20 năm hoạt động, với tôn chỉ mục đích là diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật, Chính sách, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã phục vụ có hiệu quả việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.Trong suốt 20 năm qua, Tạp chí thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà khoa học, cộng tác viên, độc giả trong và ngoài nước.
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, nhiều nhà khoa học, cộng tác viên thân thiết đã gửi gắm những tâm tư, tình cảm, góp ý chân thành tới đội ngũ người làm báo của Tạp chí và chia sẻ về mong muốn, phương hướng phát triển Tạp chí những năm tiếp theo. Đây là nguồn cổ vũ, khích lệ và là động lực to lớn để Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tiếp tục khẳng định vị thế của một tạp chí hàng đầu ở Việt Nam về lĩnh vực Nhà nước, pháp luật và chính sách. Cảm tạ tấm chân tình của các nhà khoa học, các cộng tác viên và bạn đọc, Tạp chí trân trọng trích đăng một số ý kiến tiêu biểu và xin gửi lời cám ơn, lời tri ân sâu sắc nhất tới những “người bạn tri kỷ” đã cùng xây dựng, đóng góp cho quá trình phát triển của Tạp chí trong 20 năm qua.
 
Ảnh-TGNam2_2.jpg1.      Nơi nâng đỡ ước mơ luật học
Công bố công trình nghiên cứu trên tạp chí khoa học là niềm mơ ước của nhiều nhà khoa học trẻ, và việc được công bố công trình của mình trên một tạp chí có uy tín học thuật rộng lớn trong cộng đồng khoa học và có tầm ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách quốc gia như Tạp chí Nghiên cứu lập pháp là hạnh phúc khôn tả. Với tôi, niềm hạnh phúc còn lớn hơn thế, bởi Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (NCLP) chính là nơi đã chắp cánh cho bài báo đầu tiên trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình.
Hoài niệm lại những kỷ niệm ban đầu với Tạp chí NCLP, tôi nhớ mình đã từng có suy nghĩ rằng Tạp chí NCLP với vị thế lớn trong nền luật học nước nhà có lẽ nằm ngoài tầm với của các nhà nghiên cứu trẻ như tôi. Nhưng những lần tiếp xúc, trao đổi với các biên tập viên Tạp chí đã nhanh chóng xua tan cảm giác đó; các anh, các chị đã giao tiếp với tôi thật trọng thị, và quan trọng nhất là đã bình duyệt bài viết của tôi dựa trên chất lượng khoa học của nó chứ không đơn thuần là học vị hay địa vị của tác giả. Sự đối đãi đầy tinh tế của Tạp chí đã thực sự động viên, nâng đỡ, dìu dắt tôi vượt qua thách thức để bước chân vào con đường nghiên cứu.
Sau này, tôi cũng được biết rằng, không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều nhà nghiên cứu trẻ như tôi cũng nhận được sự ứng xử tôn trọng, liên tài như vậy. Vậy phải chăng, sự ứng xử trân quý và khoa học của Tạp chí đối với các nhà nghiên cứu trên cơ sở chia sẻ chủ đích chung là làm giàu đẹp hơn nền luật học nước nhà là lực hút khiến Tạp chí NCLP sớm trở thành nơi quy tụ đông đảo và đa dạng đội ngũ cộng tác viên thuộc nhiều thế hệ, nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi tin rằng, với triết lý vừa đậm chất nhân văn vừa dựa trên tinh thần vị khoa học như vậy, Tạp chí NCLP sẽ có sự phát triển bền vững khi luôn quy tụ được nguồn chất xám đầy trẻ trung, năng động, chất lượng cao của cộng đồng luật học Việt Nam. Bản thân tôi, khi nói về Tạp chí, tôi luôn muốn bày tỏ tình cảm biết ơn chân thành và sâu sắc với nơi đã khơi nguồn, nâng đỡ những ước mơ luật học trong tôi.
2.      Sứ mệnh quốc gia và chất lượng quốc tế
Năm 2020, Tạp chí NCLP tròn 20 tuổi – lứa tuổi của sự trưởng thành, và đó là dấu mốc quan trọng để chúng ta “ôn cố tri tân”- cùng tự hào để nói về thành tựu, dấu ấn lớn lao, nhưng cũng cùng hình dung về chặng đường tương lai phía trước. Với tư cách là độc giả trung thành, một cộng tác viên thân thiết của Tạp chí NCLP, tôi cảm nhận được ba đặc trưng, giá trị nổi bật của Tạp chí NCLP so với các tạp chí khác trong cùng lĩnh vực luật học.
Thứ nhất, Tạp chí NCLP có sự đan xen, kết hợp hợp lý giữa các nghiên cứu hàn lâm và các nghiên cứu ứng dụng lập pháp. Trên Tạp chí NCLP, chúng ta có thể tìm thấy các nghiên cứu hàn lâm thuần tuý, trong đó có không ít các công trình học thuật mang tính khai phá, có vai trò mở đường trong việc nhận diện, đề xuất các lý thuyết mới về nhà nước và pháp luật, nhưng đồng thời, cũng có thể tìm thấy các phân tích trực diện về quy trình lập pháp, về các vấn đề quốc kế dân sinh đang được bàn luận tại nghị trường hay các bài viết bình luận, góp ý trực tiếp cho các dự thảo nhằm nâng cao chất lượng của các đạo luật.
Thứ hai, với tư cách là diễn đàn nhằm thúc đẩy trước hết hoạt động lập pháp của Quốc hội, Tạp chí NCLP đặc biệt chú trọng tới cách tiếp cận luật học so sánh và đã đăng tải, giới thiệu rất nhiều công trình nghiên cứu về kinh nghiệm lập pháp nước ngoài xuyên suốt tất cả vấn đề của luật công lẫn luật tư, cả luật nội dung lẫn luật hình thức. Nhiều bài viết trong số đó không chỉ cung cấp thông tin luật học so sánh quý báu làm chất liệu cho hoạt động lập pháp của Quốc hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy các nghiên cứu hàn lâm trong nước.
Thứ ba, điểm đặc trưng thứ ba là hướng đi, đóng góp mang tính tiên phong của Tạp chí NCLP đó là việc Tạp chí đã nhanh chóng ứng dụng thành tựu của kỷ nguyên số thiết lập một Tạp chí online đầy thân thiện và hiệu quả. Chính cuộc chuyển đổi số này đã khiến Tạp chí NCLP được tiếp cận một cách dễ dàng hơn và đã trở thành người bạn đường thân thiết và rất gần gũi của nhiều tầng lớp độc giả trong xã hội từ các đại biểu Quốc hội cho đến các thẩm phán, luật sư, học giả hay kể các các sinh viên luật.
Cuối cùng, nếu có thể chia sẻ hình dung gì về tương lai, thiết nghĩ, Tạp chí cần tiếp tục phát huy lợi thế sẵn có để hướng tới sứ mệnh là diễn đàn hỗ trợ lập pháp mang tầm quốc gia cùng với việc định hướng chất lượng tạp chí khoa học theo chuẩn mực quốc tế. Trong đó, chuẩn mực quốc tế thể hiện trong việc nâng cao chất lượng các bài viết, hoàn thiện các hướng dẫn về trích dẫn, biên tập và đổi mới, bổ sung quy trình bình duyệt chuyên môn. Phát huy lợi thế có một đội ngũ cộng tác viên đông đảo, chất lượng cao, trước hết, Tạp chí có thể thử nghiệm xây dựng quy trình bình duyệt riêng cho một số chuyên đề đặc biệt (special issue). Theo đó, Tạp chí có thể mời một số nhà khoa học đầu ngành phụ trách trực tiếp về chuyên môn cho chuyên đề về một chủ đề quan trọng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới hàn lâm hay của các nhà lập pháp, và họ sẽ tổ chức xây dựng, phản biện chính các bản thảo bài viết để công bố trên Tạp chí. Nội dung các số chuyên đề này, vì thế, sẽ gần như “sách chuyên khảo” về chủ đề đó, nó vừa đáp ứng yêu cầu về tính thời sự và thu hút sự chú ý của độc giả, vừa có giá trị tra cứu dài hạn trong tương lai; đồng thời quy trình “tiệm cận” bình duyệt độc lập (peer review) này sẽ góp phần đáng kể tăng tính khách quan, đảm bảo chất lượng các bài viết trong chuyên đề.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn và kính chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công tới đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, nhân viên Tạp chí NCLP.
Kính chúc Tạp chí NCLP luôn duy trì và phát huy vị thế hàng đầu của mình trong diễn đàn luật học Việt Nam./. 

Ý kiến bạn đọc