Công đoàn Văn phòng Quốc hội tập huấn xây dựng cơ quan không khói thuốc lá

01/08/2015

P.V

Tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá và xem xét kinh nghiệm tổ chức xây dựng Môi trường cơ quan không khói thuốc tại các công sở nhà nước là nội dung quan trọng nhất được Công đoàn Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh tại “Hội nghị tập huấn Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và triển khai xây dựng Môi trường cơ quan Văn phòng Quốc hội không khói thuốc lá” được tổ chức vào tháng 7 năm 2015 vừa qua. Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội một số tỉnh và đông đảo Công đoàn viên Công đoàn Văn phòng Quốc hội.
 
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
 
Những con số báo động về tác hại của thuốc lá đối với con người
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Đạo luật này được đánh giá là phù hợp với Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát thuốc lá; đồng thời việc thông qua Luật này là sự kiện quan trọng trong bối cảnh các bệnh nguy hiểm do thuốc lá gây ra ngày một gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, việc triển khai, thi hành Luật hiện nay phải đối mặt với nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá; các hãng sản xuất và phân phối thuốc lá vẫn tiếp tục tìm mọi cách để quảng cáo sản phẩm của mình tới người tiêu dùng…
Trao đổi tại Hội nghị, đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, khói thuốc là một trong những nguyên nhân gây bệnh và dẫn đến tử vong của con người. Hút thuốc lá đặc biệt có hại cho sức khỏe. Thuốc lá giết chết một nửa số người sử dụng nó. Trung bình một ngày trên thế giới có 10.000 người chết do sử dụng thuốc lá, mỗi năm con số người chết vì thuốc lá lên tới 6 triệu người. Thế kỷ XX đã có 100 triệu người chết do thuốc lá và con số này ước tính sẽ là 01 tỷ người ở thế kỷ XXI. Đặc biệt lưu ý, con số này đang tiếp tục gia tăng ở các nước phát triển.
Trong thành phần khói thuốc có 7.000 chất hóa học, 69 chất gây ung thư, nicotine, nhựa thuốc lá, các-bon mô-nô-xít(CO) và chất phụ gia. Hút thuốc lá là nguyên nhân của 30% các bệnh ung thư, 90% các ca ung thư phổi, người hút thuốc có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc; nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng 10 - 15 lần. Ngoài ra, người hút thuốc còn có các nguy cơ mắc các bệnh như: xơ vữa động mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, gây loét hệ thống tiêu hóa, giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh ở cả hai giới… Nguy hiểm hơn, thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây bệnh cho những người trực tiếp sử dụng mà còn rất nguy hại cho những người “hút thuốc thụ động”. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (tại Báo cáo tài liệu Hội nghị của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá), mỗi năm, trên thế giới có 600.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động. Ước tính hút thuốc thụ động hàng năm gây ra 3.400 ca tử vong vì ung thư phổi và từ 22.700 đến 69.700 ca tử vong vì bệnh tim ở Mỹ .
Tại Việt Nam, tỷ lệ nguời hút thuốc lá là tương đối lớn. Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá cao nhất thế giới, với tỷ lệ 47,4%, có nghĩa là cứ 02 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 01 người hút thuốc. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng là quốc gia đứng thứ 3 về số người hút thuốc lá cao nhất. Số người tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là khoảng 40.000 người, gấp 3 lần số người chết do tại nạn giao thông. Nếu các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030.
Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, sự ảnh hưởng của thuốc lá đến kinh tế là vô cùng lớn. Theo số liệu mà Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đưa ra tại Hội nghị, trong năm 2007, người Việt Nam tiêu tốn hơn 14 nghìn tỷ đồng cho các sản phẩm thuốc lá, chiếm từ 5-10% tổng chi tiêu của hộ gia đình. Đặc biệt, trong số các hộ nghèo nhất Việt Nam, khoản chi cho thuốc lá cao gấp 2,2 lần khoản chi cho giáo dục và gấp 1,6 lần khoản chi cho chăm sóc sức khỏe. Điều đó dẫn tới việc chi phí để điều trị (chỉ là ba trong số 25 loại bệnh do hút thuốc lá gây ra là các bệnh ung thư phổi, bệnh tim và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính) lên tới 2.304 tỷ đồng mỗi năm.
Có chế tài nhưng thực hiện, xử lý khó khăn
Kể từ ngày 1/5/2013,  Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực và được thực thi trong đời sống xã hội, trong đó có nội dung về những quy định chế tài, xử phạt đối với những người hút thuốc lá không đúng nơi quy định hoặc hút thuốc lá tại những nơi cấm hút thuốc… . Điều 3 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nêu rõ nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá bao gồm: tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá; chú trọng biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá nhằm giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tác hại do thuốc lá gây ra; thực hiện việc phối hợp liên ngành, huy động xã hội và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tác hại của thuốc lá và bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, khoản 1 Điều 23 quy định: “1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng; b) Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá. 2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: a) Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá; b) Không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình; c) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành…”.
Điều 27 của Nghị định trên cũng quy định phạt tiền đối với các hành vi như: Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em; Không đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm, không quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ….
 Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù Luật và Nghị định đã có hiệu lực nhưng trên thực tế, cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn. Các quy định dường như mới chỉ phát huy một phần tác dụng tại các cơ sở nhất định như bệnh viện, công sở, nhà hàng, khách sạn… Còn tại nhiều nơi công cộng khác thì việc cấm hút thuốc lá vẫn không hiệu quả, ít có tính khả thi. Ngay tại môi trường công sở, ý thức tuân thủ pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn thấp; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc còn khá phổ biến. Nhiều nơi, lãnh đạo các bộ, ngành, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; nhiều lãnh đạo còn hút thuốc nên chưa cương quyết thực hiện các quy định này một cách nghiêm túc.
Điều quan trọng cần làm trong thời gian tới là phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tới người dân để nâng cao nhận thức, ý thức về hành vi hút thuốc lá, về tác hại của thuốc lá, trong đó, triển khai xây dựng mô hình cơ quan, công sở không khói thuốc được coi là biện pháp hữu hiệu trong việc thực thi xây dựng một môi trường làm việc xanh, sạch, văn minh, không khói thuốc.
Xây dựng mô hình Cơ quan Văn phòng Quốc hội không khói thuốc
Một trong những quy định quan trọng của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là cấm hút thuốc hoàn toàn trong nhà, tại những nơi công cộng như bệnh viện, trường học, nơi làm việc... Do đó, việc triển khai xây dựng môi trường cơ quan không khói thuốc là một trong những mục tiêu quan trọng mà Văn phòng Quốc hội đặt ra nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá trong công chức, viên chức, người lao động, thực thi đầy đủ các quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, bảo đảm quyền của công chức, viên chức, người lao động được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; giúp công chức, viên chức, người lao động, nhất là lực lượng trẻ hưởng ứng việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, hạn chế và tiến tới không sử dụng thuốc lá.
Trên cơ sở xác định những tiêu chí của cơ quan không khói thuốc lá, chuyên gia của Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã hướng dẫn các bước để xây dựng nơi làm việc không khói thuốc, bao gồm những bước cơ bản: thành lập ban chỉ đạo, khảo sát thực trạng, xây dựng nội quy và kế hoạch thực hiện, phổ biến nội quy cho các cán bộ nhân viên, triển khai các hoạt động hỗ trợ như tổ chức tập huấn, tuyên truyền, gắn biển cảnh báo, loại bỏ các vật dụng liên quan đến thuốc lá tại cơ quan… và theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu tham gia chia sẻ nhiều lợi ích của môi trường làm việc không khói thuốc như: giúp cho người không hút thuốc giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, dẫn tới giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh do hút thuốc thụ động trong công sở; giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc; hạn chế được các nguy cơ mất an toàn do việc hút thuốc (như nguy cơ cháy, nổ do tàn thuốc…); giảm gánh nặng các chi phí chi tiêu cho thuốc lá, chi phí điều trị y tế, chi phí vệ sinh môi trường; góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công chức, viên chức...
Cũng trong thời gian tập huấn, các đại biểu đã đến thăm quan một số cơ quan, doanh nghiệp điển hình xây dựng thành công mô hình Cơ quan không khói thuốc lá tại Quảng Ninh để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai xây dựng cơ quan không khói thuốc.
Sau Hội nghị tập huấn lần này, Công đoàn Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thực hiện nghiêm túc việc không hút thuốc lá nơi làm việc, coi đây là một chỉ tiêu trong xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá, hướng tới xây dựng một môi trường công sở văn minh, xanh, sạch, không khói thuốc./.
P.V
 
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16(296), tháng 8/2015)


Ý kiến bạn đọc