Một số giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

01/07/2012

TS. HOÀNG XUÂN NGHĨA

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội Hà Nội

Trên thế giới, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có lịch sử phát triển lâu dài. Đây là một loại hình tổ chức kinh doanh do nhà nước thành lập, về nguyên tắc cũng bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác trong nền kinh tế thị trường (KTTT). Tuy nhiên, DNNN, do bản chất sở hữu chung, nên không đảm bảo tính hiệu quả và luôn có nguy cơ bị tham nhũng cao. Hơn nữa, trong quá trình tồn tại, DNNN có mối quan hệ rất đặc biệt với bộ máy nhà nước. Việc cơ cấu lại DNNN, về mặt lý luận và thực tiễn cho thấy, không hề đơn giản như các khu vực doanh nghiệp khác. Bởi cơ cấu lại DNNN gắn chặt với quan điểm, chính sách và lợi ích của Nhà nước - đại diện cho lợi ích quốc gia. Vì thế, cơ cấu lại DNNN ở Việt Nam hiện nay cần một quyết tâm chính trị lớn, sự hy sinh lợi ích nhóm và cùng với đó là những giải pháp tổng thể. Bài viết chọn cách tiếp cận từ phương diện sở hữu DNNN.
Untitled_568.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Những vấn đề đặt ra khi cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước   
Ở nước ta, trong thời kỳ cơ chế kế hoạch hoá tập trung trước đây, các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động chủ yếu là dưới hình thức DNNN (hay còn gọi là xí nghiệp quốc doanh xã hội chủ nghĩa), doanh nghiệp tư nhân không được thừa nhận và bị cấm đoán. Do đó, trong một giai đoạn lịch sử, vai trò quan trọng thuộc về DNNN. Chỉ từ những năm 1990, khi thực hiện chính sách đổi mới, nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau đã được khuyến khích thành lập và phát triển. Không thể phủ nhận, do có thời gian thành lập sớm và được cơ chế ưu đãi, nên các DNNN luôn có ưu thế hơn và đã trở thành bộ phận quan trọng, có đóng góp lớn và quyết định tới sự phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, với những điều kiện của cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập hiện nay thì các DNNN đã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Từ những năm 1990 đến nay, đã hơn 20 năm chúng ta tiến hành cải cách, đổi mới thông qua việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê đối với các DNNN. Chương trình cải cách và đổi mới các DNNN được thực hiện rất tích cực, nhất là trong giai đoạn 2001 - 2010. Đặc biệt từ năm 2006 - 2010, nhiều tập đoàn kinh tế (TĐKT) lớn đã ra đời, nhiều tổng công ty (TCT) đã thực hiện cổ phần hoá, nhiều doanh nghiệp được sắp xếp, tổ chức lại với quy chế quản lý tích cực hơn và đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Song DNNN vẫn bộc lộ những hạn chế căn bản, nhất là trong thời gian khủng hoảng và hậu khủng hoảng suy thoái kinh tế - tài chính thế giới. Các hạn chế, yếu kém của DNNN ở nước ta đã được mổ xẻ trên rất nhiều khía cạnh:
Một là, hoạt động kém hiệu quả, kết quả sản xuất kinh doanh suy giảm, kém sức cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tếMặc dù được hưởng nhiều ưu đãi trong việc sử dụng các nguồn lực về tài nguyên, đất đai, tiền vốn, khoa học công nghệ và lao động so với các khu vực sở hữu khác, song hiệu quả hoạt động kinh doanh thua kém hơn hẳn. Điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn sản xuất kinh doanh của các DNNN năm 2007 - 2009 dao động trong khoảng 3,5 - 4,3%, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khoảng 9,1 - 11,7%; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các DNNN giai đoạn 2007 - 2009 từ 6,3 - 8,2%, thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI là 10,6 - 13,1%. Điều đó cho thấy hiệu quả hoạt động của các DNNN chỉ bằng khoảng 50% so với các doanh nghiệp FDI. Theo thống kê của Học viện Tài chính Hà Nội, DNNN hiện nắm giữ tới 70% tổng tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế; chi phối hơn 20% vốn đầu tư của toàn xã hội; 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại; 50% vốn đầu tư của Nhà nước và 70% nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Song tỷ lệ đóng góp của DNNN vào GDP chỉ đạt 37 - 39%, tạo việc làm cho 4,4% tổng số lao động, tỷ lệ tăng sản lượng và năng suất lao động luôn chậm hơn khu vực tư nhân là 10 - 14%.
 Hai là, có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm cục bộ, độc quyền trong kinh doanh. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm tới 60% thị phần xăng dầu cả nước; Tập đoàn Điện lực chiếm lĩnh gần hết thị trường từ khâu sản xuất tới truyền tải và bán lẻ; Tập đoàn Than - Khoáng sản cũng chiếm giữ phần lớn việc khai thác và cung cấp sản phẩm than trên toàn quốc. Các tập đoàn luôn đề nghị được tăng giá bán một số sản phẩm thuộc diện quản lý giá của Nhà nước; đòi được hưởng một số những trợ cấp, ưu đãi trong sản xuất kinh doanh hoặc tiếp tục xuất khẩu những sản phẩm mà trong thời gian tới, Việt Nam phải nhập khẩu…
Ba là, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh chậm đổi mới, kém năng động, có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.Nhiều tập đoàn, TCT sử dụng vốn đầu tư nhà nước rất dàn trải và rủi ro cao, không tập trung vào nhiệm vụ chính, chạy theo lợi ích ngắn hạn, đầu tư ngoài ngành, lập ngân hàng riêng... Điều đó đã gây thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, nợ xấu của DNNN ngày càng tăng, gây áp lực nợ công và mất ổn định vĩ mô. Hàng năm có tới 12% DNNN kinh doanh thua lỗ và mức lỗ bình quân của DNNN cao gấp 12 lần so với các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Hoặc theo một tính toán, có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, nhìn chung lỗ lãi có tính tượng trưng. Chỉ riêng năm 2009, nợ của 81/91 tập đoàn, TCT nhà nước đã là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng, thì nợ của khu vực DNNN thời điểm năm 2009 đã lên tới 54,2% GDP. Nhiều DNNN cũng đang lâm vào nợ nần; không chỉ doanh nghiệp không được độc quyền, mà cả những doanh nghiệp được ưu đãi về cơ chế kinh doanh như Tập đoàn Điện lực và TCT Xăng dầu cũng luôn gánh trên vai những món nợ khổng lồ nhưng đầy nghi vấn về nguồn gốc.
Từ thực trạng này, liên hệ với lý luận và kinh nghiệm thế giới, chúng ta có thể rút ra các nhận xét:
- Sở hữu nhà nước và DNNN, trong đó có Tập đoàn kinh tế (TĐKT)nhà nước ở Việt Nam, không loại trừ cũng đã bị nhiễm căn bệnh cố hữu của sở hữu nhà nước trên thế giới, là kém hiệu quả và nguy cơ tham nhũng cao. Cơ cấu lại DNNN ở Việt Nam mặc dù đi qua chặng đường chưa dài như các nước Tây Âu, nhưng không kém phần khó khăn phức tạp vì bị chi phối bởi các quan điểm và lợi ích của các nhóm đại diện, đôi khi là mâu thuẫn và không thống nhất. Đây mới chính là lực cản mạnh mẽ đối với quá trình cơ cấu lại DNNN.
- Thời gian trở lại đây, có sự phát triển nhanh chóng các TĐKT và DNNN trong khi các thể chế luật lệ cho loại hình này chưa hoàn thiện, thậm chí Đề án xây dựng quy chế cho TĐKT vẫn đang trong giai đoạn soạn thảo. Sự giám sát của cơ quan chức năng và kiểm soát của xã hội lại rất lỏng lẻo, tính công khai minh bạch chưa được tuân thủ. Thực tế chúng ta chưa có cơ chế kiểm toán và cũng không có cơ sở để kiểm toán các TĐKT… Tất cả điều đó khiến cho các mặt tiêu cực của loại hình DNNN gia tăng bất thường.
- Việc duy trì quy mô quá lớn của DNNN trong nền kinh tế, hơn nữa lại đang có xu hướng tăng lên một cách không bình thường trong những năm gần đây, là trái với đường lối đổi mới và quy luật thị trường, không phù hợp với xu hướng thế giới khi nền kinh tế hội nhập, làm ảnh hưởng tới chất lượng thể chế và mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta.
- Thái độ nâng đỡ, phân biệt đối xử của Nhà nước vẫn thiên lệch về phía DNNN đang làm phân bổ kém hiệu quả các nguồn lực, nhất là hai nguồn lực cơ bản là đất đai và tài chính quốc gia, gây méo mó môi trường kinh doanh và gây mất công bằng về cơ hội đầu tư và thụ hưởng của các chủ thể kinh tế.
- Các quan điểm lấy DNNN và sở hữu nhà nước làm chủ đạo, là công cụ ổn định vĩ mô, kết hợp giữa hoạt động kinh doanh với chức năng công ích và xã hội… đang cần được xem xét thận trọng, vì về mặt lý luận và thực tiễn đều chưa được chứng minh. Liệu có một loại hình DNNN kết hợp được cả 2 loại nhiệm vụ trái ngược: kinh doanh và công ích, xã hội hay không?
- Các yêu cầu, tiêu chí và nhiệm vụ cụ thể cho cải cách DNNN chưa được xác định rõ ràng, chưa gắn với trao quyền lực nhiều hơn để họ tự chủ kinh doanh, chủ động phát triển. Chúng ta chưa quy định một TĐKT nhà nước hay DNNN lớn và Ban lãnh đạo của nó có trách nhiệm thế nào với quốc gia. Ví dụ, DNNN nếu 5 năm hay 10 năm trong lĩnh vực kinh doanh được phân công mà không có tác động tích cực chung, không vươn lên tầm cạnh tranh quốc tế, cứ loay hay “sân nhà”, lợi dụng cơ chế ưu đãi,… thì DNNN đó và Ban lãnh đạo của nó phải bị xử lý. Về phương diện này, DNNN Trung Quốc có thành tựu tốt hơn, nhiều DNNN Trung Quốc hiện lọt vào tốp các tập đoàn mạnh toàn cầu, và chúng ta nên học tập kinh nghiệm.
2. Các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước
Chúng tôi cho rằng, tái cơ cấu DNNN và nền kinh tế nước ta hiện nay - để đi vào thực chất và tạo bước chuyển tích cực mang tính đột phá, tránh tình trạng “dẫm chân tại chỗ” như mấy chục năm qua - trước hết phải thực hiện tái cơ cấu sở hữu nhà nước,coi đây như nội dung, giải pháp căn bản cùng với các giải pháp khác. Có những hướng sau:
Thứ nhất, phấn đấu giảm mạnh tỷ trọng sở hữu nhà nước trong cơ cấu nền kinh tế chung so với hiện nay. Do bản chất sở hữu nhà nước là kém hiệu quả, nên không thể duy trì quy mô quá lớn. Sở hữu nhà nước gây hậu quả không chỉ cho riêng DNNN mà cho cả nền kinh tế và làm cho thể chế kinh tế bị méo mó, cơ chế thị trường vận hành kém hiệu quả. Kinh nghiệm các nước cho thấy, sở hữu nhà nước thường chỉ chiếm tỷ trọng dưới 10%. Đối với chúng ta, nếu tính gộp cả các doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn và hàng nghìn doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối thì số lượng DNNN của Việt Nam thực tế rất lớn, tương đương hoặc thậm chí vượt số lượng DNNN của tổ chức OECD [1], vượt xa tổng số DNNN của các nước chuyển đổi bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, và Hungari cộng lại. Về giá trị, riêng vốn chủ sở hữu của các TCT, TĐKT nhà nước (đó là chưa kể các ngân hàng và tập đoàn tài chính thuộc sở hữu nhà nước) vào giữa năm 2011 đã đạt khoảng gần 700 nghìn tỉ đồng, tương đương hơn 35 tỉ USD. Nếu căn cứ vào sổ sách kế toán thì giá trị của các tập đoàn và TCT nhà nước đã chiếm hơn 30 - 35% GDP, cá biệt có những ngành, lĩnh vực còn cao hơn nữa. Với khu vực DNNN quá lớn như hiện nay, thì chỉ riêng quản lý và xử lý các vấn đề cho khu vực này cũng đã là quá sức cho Chính phủ, thậm chí quản lý vĩ mô cũng xếp xuống hàng thứ yếu. Không nên hiểu cơ cấu lại DNNN là xóa bỏ DNNN hay tư nhân hóa như ở Tây Âu, nhưng cần phấn đấu trước hết giảm tỷ trọng và số lượng DNNN hiện nay xuống tương đương các nước có nền KTTT. Nên đặt một nhiệm vụ cụ thể: giảm số lượng để cải thiện chất lượng DNNN. Có thể thấy, thời gian qua, chúng ta phát triển DNNN tràn lan trên quá nhiều lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể đảm đương tốt. Điều này gây nên sự chèn lấn khu vực tư nhân không cần thiết, làm phân tán nguồn lực và sức mạnh Nhà nước, chứ không phải tăng sức mạnh Nhà nước.
Tiếp theo, cần phân loại DNNN, tức là xác định Nhà nước cần nắm giữ quyền sở hữu tại những doanh nghiệp nào và với số lượng cổ phần là bao nhiêu? Theo Ban Đổi mới doanh nghiệp, hiện tại cả nước còn 1.309 DNNN 100% vốn Nhà nước. Trong số này có 102 doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 5 tỉ đồng, 8 doanh nghiệp có vốn dưới 1 tỉ đồng, có doanh nghiệp có vốn chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng. Trong số đó, có rất nhiều các DNNN mà Nhà nước không cần tham gia nữa. Chúng ta dự kiến chỉ giữ lại 692 DNNN, có 284 doanh nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng; 408 doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực độc quyền nhà nước như: quốc phòng, an ninh, thuỷ nông, thuỷ lợi, bảo đảm an toàn giao thông, xổ số kiến thiết, cấp thoát nước đô thị, sản xuất điện quy mô lớn, quản lý khai thác hệ thống đường sắt quốc gia, đô thị, cảng hàng không, cảng biển loại 1, nông lâm nghiệp, dịch vụ môi trường đô thị, và quản lý tài nguyên quan trọng. Tính theo chủ sở hữu thì trong 692 doanh nghiệp, có 395 thuộc địa phương, 171 thuộc bộ, 5 tập đoàn, TCT 91 với 111 doanh nghiệp thành viên. Tuy nhiên, trong số này cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ hơn nữa để có thể giảm thiểu tối đa.Trong điều kiện hiện tại, Nhà nước chỉ nên duy trì DNNN trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: an ninh quốc phòng; xây dựng, khai thác tài nguyên chiến lược, quan trọng và không có khả năng tái tạo; xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế; đảm  bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn; những lĩnh vực mà tư nhân không thể hoặc không muốn làm.
Thứ hai, thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc không nắm cổ phần chi phối. Quá trình thoái vốn hay tư nhân hóa cần được thực hiện với trình tự, tốc độ và phương thức phù hợp để vừa đạt được hiệu quả tối đa về nguồn thu ngân sách, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực tới nền kinh tế và các vấn đề xã hội. Theo chúng tôi, mục tiêu thu hồi về cho ngân sách không phải là ưu tiên số một; thậm chí chấp nhận hy sinh quyền lợi nhà nước, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái, thị trường chứng khoán ảm đạm và tuột dốc hiện nay, nhưng phải đạt được mục tiêu lớn hơn và lâu dài hơn là cơ cấu lại thực chất sở hữu nhà nước, thu hút được vốn đầu tư của xã hội và nhất là thu hút các cổ đông chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn đa quốc gia, phục vụ tái cơ cấu và ổn định nền kinh tế vĩ mô trên tầm quốc gia.
Như vậy,đẩy mạnh cổ phần hoá và phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) là hướng quan trọng. Theo lịch trình đến năm 2015, Nhà nước sẽ cổ phần hoá 573 doanh nghiệp, trong đó có 01 tập đoàn, 05 TCT 91, 51 TCT 90, 01 ngân hàng thương mại, 187 công ty con, 89 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ, và 239 doanh nghiệp thuộc địa phương. Khi cổ phần hoá, Nhà nước giữ cổ phần chi phối ở 392 doanh nghiệp, không chi phối ở 181 doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước sẽ thực hiện phá sản, giải thể 13 doanh nghiệp và tái cơ cấu bằng các công cụ thị trường như mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng vốn 31 doanh nghiệp. Đây là các doanh nghiệp làm ăn yếu kém, không hiệu quả, cần kiên quyết loại bỏ. Các công ty còn lại cần tiếp tục chuyển đổi hình thức sở hữu nhằm tạo sự thay đổi về cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu suất kinh doanh và hiệu quả hoạt động nói chung.Xem xét thoái vốn ở các doanh nghiệp đã cổ phần rồi mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Các tập đoàn, TCT nhà nước sẽ bán vốn, chuyển giao vốn từ doanh nghiệp này này sang doanh nghiệp khác, kể cả chuyển giao nguyên vẹn doanh nghiệp.
Thứ ba, cơ cấu lại đầu tư nhà nước gắn với sắp xếp lại bộ phận DNNN vẫn giữ nguyên hình thức sở hữu nhà nước. Dự kiến của Ban Đổi mới doanh nghiệp, đến năm 2015, trong số 692 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ được tổ chức thành 44 tập đoàn, TCT với 150 công ty con; trong số đó có 10 tập đoàn, 05 TCT 91, 26 TCT thuộc bộ, 03 TCT thuộc địa phương, 111 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ và 387 doanh nghiệp độc lập thuộc địa phương. Đến thời điểm đó, 48 tỉnh thành phố trong cả nước chỉ còn DNNN hoạt động công ích như: xổ số kiến thiết, môi trường đô thị. Có thể coi đây là tái cơ cấu DNNN theo nghĩa hẹp, mà trọng tâm là các TĐKT và TCT nhà nước. Trước tiên, phải kiên quyết chấm dứt tình trạng các TĐKT, TCT nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, thành lập ngân hàng riêng, bỏ quên lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, tiến hành rà soát và thoái vốn tại các lĩnh vực kinh doanh trái ngành.
Đối với đầu tư nhà nước, cần xây dựng bộ tiêu chí phù hợp và được chuẩn hóa để tạo căn cứ lựa chọn và thông qua các dự án đầu tư công theo lĩnh vực và yêu cầu đầu tư, đáp ứng mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và của địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn. Phân biệt hai loại mục tiêu và hai loại tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công - đầu tư vì lợi nhuận và đầu tư phi lợi nhuận, khắc phục sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận, giữa trách nhiệm của các TĐKT nhà nước về xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, điều này dễ dẫn đến sự đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả. Về lâu dài, nên tách bạch chức năng kinh doanh với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công và chức năng xã hội theo hướng chuyển sang đấu thầu cung cấp các gói dịch vụ công và nhiệm vụ xã hội cho tất cả các loại hình doanh nghiệp tham gia, không riêng cho DNNN.
Thứ tư, kết hợp các biện pháp nới lỏng kiểm soát, xóa bỏ độc quyền DNNN với đổi mới đồng bộ quản trị DNNN. Chỉ khi Nhà nước xóa bỏ độc quyền và cắt bỏ sự trợ giúp, bao cấp cho DNNN, để DNNN đứng trong môi trường cạnh tranh thị trường, thì mới tạo áp lực và động cơ thực sự cho đổi mới DNNN. Đổi mới cơ chế hoạt động của DNNN theo hướng thiết lập mô hình quản trị theo nguyên tắc quản trị công ty. Chuyển DNNN sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường đối với những hoạt động kinh doanh vị lợi nhuận,  bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính, có cơ chế giám sát của Nhà nước và xã hội...
Tái cấu trúc là cần tư nhân hóa theo các mức độ thích hợp: toàn bộ, từng phần hoặc giữ nguyên sở hữu nhà nước nhưng cần tạo ra hệ thống phân quyền, Nhà nước vẫn giữ quyền sở hữu nhưng quyền quản lý thì giao cho doanh nghiệp. Dựa trên quan điểm Nhà nước không thể trực tiếp kiếm lợi nhuận và làm giàu mà chỉ là người trợ giúp cho doanh nghiệp làm giàu, còn Nhà nước thu thuế. Có thể nghiên cứu trao quyền đại diện sở hữu nhà nước cho một cơ quan duy nhất, quy định rõ vai trò của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu; đồng thời trao quyền giám sát DNNN mạnh hơn nữa cho các bộ, ngành. Tách quyền sở hữu với quyền chủ động điều hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; áp dụng cơ chế chịu trách nhiệm, quyền lợi của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên.
Đối với hoạt động đầu tư, cần phân cấp quản lý thống nhất và rõ ràng, gắn với chịu trách nhiệm liên đới của từng tổ chức, cá nhân trong quản lý đầu tư của DNNN. Công khai các thông tin, quy trình, thủ tục, danh mục dự án đầu tư; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán các dự án đầu tư của DNNN. Bên cạnh hệ thống giám sát nhà nước, cần bổ sung quy định sự giám sát của cộng đồng, của xã hội đối với các hoạt động đầu tư của DNNN. Thiết lập hệ thống giám sát tài chính chặt chẽ, hiệu quả đối với việc quản lý sử dụng vốn nhà nước để cung cấp thông tin thường xuyên cho cơ quan quản lý giám sát. Quy định rõ các hành vi bị cấm và các chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm ở các mức độ khác nhau; góp phần ngăn chặn tiêu cực và có cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm trong đầu tư của DNNN. Hoàn thiện cơ chế và ban hành quy chế người đại diện và kiểm soát viên trong DNNN trên cơ sở quy định rõ ràng về quyền hạn, nghĩa vụ, và lợi ích để tăng cường hiệu quả giám sát.
Sửa đổi các chính sách về thuế theo hướng xoá bỏ ưu đãi đối với DNNN; nghiên cứu xoá bỏ độc quyền kinh doanh của DNNN đối với một số lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, có điều kiện hoặc lĩnh vực đặc thù (điện, than, xăng dầu…). Kiên quyết cắt mọi ưu đãi, bao cấp cho DNNN về tiếp cận các nguồn tín dụng, tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiếp cận thông tin, nhất là thông tin về các loại quy hoạch, tiếp cận các nhà hoạch định chính sách... Đồng thời, kiên quyết không "khoanh nợ, giãn nợ" cho bất kỳ DNNN nào, Nhà nước không nhận việc trả nợ, xử lý nợ thay cho doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm soát và giám sát, minh bạch công khai hóa thông tin đối với các DNNN; tăng cường các chế tài và trách nhiệm cá nhân đối với những DNNN vi phạm các quy định về quản lý, điều hành doanh nghiệp. Nghiên cứu áp dụng cơ chế thi tuyển giám đốc và thuê giám đốc DNNN, kể cả thuê giám đốc người nước ngoài giống như các nước trên thế giới.
Tái cấu trúc DNNN trong giai đoạn hiện nay là khâu trọng yếu, cần sự đồng thuận và quyết tâm chính trị cao cũng như biện pháp quyết liệt. Thực hiện tái cấu trúc DNNN đồng bộ trên các phương diện chủ yếu: sở hữu, quản trị doanh nghiệp, ngành nghề, tài chính, quản lý nhà nước, hệ thống pháp luật. Tái cấu trúc DNNN theo các nội dung trên không phải là hạn chế, làm giảm vai trò DNNN; trái lại, nếu làm tốt sẽ củng cố DNNN mạnh hơn, hiệu quả hơn, tăng cường sức cạnh tranh của DNNN trong nền kinh tế hội nhập và mở cửa./.
 

[1] OECD là tên viết tắt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), thành lập năm 1961 trên cơ sở Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Âu (OEEC) với 20 thành viên sáng lập gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu. Hiện nay, số thành viên của OECD là 30 quốc gia, gồm Mỹ, Canada, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nhật Bản, Phần Lan, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Mexico, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Slovakia.

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 14(222), tháng 7/2012)