Nên thừa nhận chế định kết hợp dân sự giữa hai người cùng giới tính

01/04/2014

TS. CAO VŨ MINH

Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

1. Đi tìm lời giải cho quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”
 Trong rất nhiều nội dung cần sửa đổi của Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNVGĐ) thì vấn đề hôn nhân giữa những người cùng giới tính (NCGT) đang nhận được quan tâm sâu sắc của toàn xã hội. Vấn đề nên hay không nên thừa nhận hôn nhân đồng giới (HNĐG) đang phát sinh những quan điểm trái chiều nhau. Hiện nay có hai quan điểm chủ đạo: i) không nên công nhận HNĐG vì điều này trái với quy luật tự nhiên của cuộc sống; ii) nên công nhận HNĐG vì mọi người sinh ra là bình đẳng bất kể người đó có xu hướng tính dục và bản dạng giới như thế nào.
Liên quan đến vấn đề giới tính trong kết hôn, Luật HNVGĐ hiện hành của nước ta quy định cấm kết hôn giữa những NCGT[1]. Như vậy, nếu đặt câu hỏi: “theo pháp luật Việt Nam, người đồng tính (NĐT) có quyền kết hôn hay không?” thì lời đáp sẽ rất đơn giản và rõ ràng: “có”. Tuy nhiên, nếu hỏi rằng: “NĐT có được kết hôn một cách tự nguyện, theo ý muốn thực sự, theo nhu cầu mang tính bản năng của họ không?” thì câu trả lời sẽ là ngược lại. Thực ra, quy định cấm kết hôn “giữa những NCGT” không nhằm riêng vào NĐT[2]. Tuy vậy, việc cấm kết hôn giữa những NCGT đã hạn chế hầu như tất cả những khả năng kết hôn mà NĐT có nhu cầu.
NĐT bị hấp dẫn về mặt giới tính bởi NCGT với họ và thường có nhu cầu quan hệ tình dục với người cùng giới. Với thiên hướng tình dục này, có bốn khả năng kết hôn có thể đặt ra với NĐT.
Trường hợp thứ nhất: kết hôn giữa NĐT nam với NĐT nữ (kết hôn khác giới tính giữa hai NĐT). Trường hợp này không có nhiều khả năng xảy ra trên thực tế vì xu hướng tình dục của hai người này không hướng vào nhau.
Trường hợp thứ hai: kết hôn giữa NĐT nam (hoặc đồng tính nữ) với người nữ (hoặc nam) không đồng tính (kết hôn khác giới tính giữa một NĐT với một người không đồng tính). Trường hợp này trên thực tế rất ít xảy ra vì NĐT không hướng nhu cầu vào đối tượng trong khi đó nhu cầu đối tượng còn lại hướng đến thì NĐT lại không thể đáp ứng được. Thực tế việc kết hôn trong trường hợp này xảy ra chỉ nhằm che đậy thân phận đồng tính hoặc vì một lý do khác chứ không xuất phát từ nhu cầu tình cảm, tình dục cũng như mục đích xây dựng gia đình.
Trường hợp thứ ba: NĐT nữ kết hôn với NĐT nữ hoặc NĐT nam kết hôn với NĐT nam (còn được gọi là kết hôn đồng giới giữa hai NĐT). Khả năng này có thể xảy ra trên thực tế vì người này thuộc nhóm đối tượng mà xu hướng tình dục của người kia hướng đến.
Trường hợp thứ tư: kết hôn giữa NĐT nam (hoặc đồng tính nữ) với một người nam (hoặc một người nữ) không đồng tính (còn được gọi là kết hôn đồng giới giữa một NĐT với một người không đồng tính). Đây là khả năng thường xảy ra trên thực tế vì người còn lại chính là đối tượng mà thiên hướng tình dục của NĐT hướng đến[3].
Như vậy, ở nước ta, NĐT vẫn được quyền kết hôn với người khác giới tính của mình như trường hợp thứ nhất và thứ hai, tuy nhiên, NĐT không bị hấp dẫn bởi người khác giới nên khả năng kết hôn với người khác giới là rất thấp. Ngược lại, họ có nhu cầu kết hôn với người cùng giới như trường hợp thứ ba và thứ tư thì lại bị pháp luật cấm.
Vậy lý do gì pháp luật Việt Nam lại cấm kết hôn giữa những NCGT? Trong thực tế có rất nhiều lý do được viện dẫn nhằm bảo vệ cho quy định: “cấm kết hôn giữa những NCGT” như: i) HNĐG không được chấp nhận vì quan hệ hôn nhân giữa những người đồng giới không thể sinh con để duy trì nòi giống; ii) cho phép kết hôn giữa những người đồng giới sẽ làm tăng quan hệ tình dục đồng giới - một loại tình dục được coi là không an toàn; iii) HNĐG sẽ ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của trẻ em; iv) HNĐG vi phạm các chuẩn mực đạo đức trong xã hội; v) HNĐG đi ngược với quy luật tự nhiên, không phù hợp với đa số dân số trong xã hội[4].
Tuy nhiên, các lập luận trên chưa thật thuyết phục và toàn diện bởi những lý do sau:
 Thứ nhất, hôn nhân là sự xác lập quyền và nghĩa vụ vợ chồng của những người yêu thương nhau, mong muốn quan hệ trên được hợp thức hóa và được xã hội công nhận. Đó cũng là ý nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất của việc kết hôn. Mục đích sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống chỉ là điều mà xã hội mong muốn khi một quan hệ hôn nhân được xác lập, nhưng đó không phải là nghĩa vụ bắt buộc với các bên khi kết hôn. Nếu chúng ta cho rằng HNĐG không thể duy trì nòi giống nên không được thừa nhận vậy tại sao chúng ta vẫn cho phép những người vô sinh kết hôn dị giới? Nếu vấn đề tăng dân số quan trọng thì tại sao ở những nước đông dân như Trung Quốc chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh một đứa con nhưng vẫn cấm kết hôn đồng giới? Tại sao pháp luật HNGĐ Việt Nam một mặt yêu cầu “vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình”[5] nhưng mặt khác lại cấm kết hôn đồng giới? Bên cạnh đó, không có một căn cứ khoa học nào cho rằng, việc không thể sinh con giữa những NĐT kết hôn vốn chỉ chiếm một số lượng ít trong xã hội, là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thoái hóa, tuyệt diệt giống nòi của nhân loại.
Thứ hai, quan điểm cho rằng kết hôn đồng giới sẽ làm gia tăng các quan hệ tình dục đồng giới không an toàn là chưa thực sự chính xác. Từng có thời kỳ thế giới coi quan hệ tình dục đồng giới là nguyên nhân lây lan đại dịch HIV trên toàn cầu. Luận điểm trên không hợp lý bởi HIV xuất phát từ nhiều nguyên nhân, quan hệ tình dục chỉ là một trong số đó, hơn nữa không chỉ riêng gì tình dục đồng giới mà tất cả các loại quan hệ tình dục đều không an toàn nếu các bên không sử dụng các biện pháp an toàn. Mặt khác có thể thấy điểm vô lý trong việc giải thích như trên là nếu cho rằng tình dục đồng giới là không lành mạnh thì không có lý do gì để lý giải cho việc pháp luật chỉ cấm kết hôn đồng giới mà không cấm các quan hệ tình dục đồng giới.
Thứ ba, quan điểm cho rằng kết hôn đồng giới sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em là thiếu cơ sở. Quyền lợi của trẻ em chịu ảnh hưởng từ các mối liên hệ đa chiều, phức hợp trong xã hội chứ không chỉ từ quan hệ hôn nhân đồng tính. Nếu nói quyền lợi của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì sao pháp luật lại không cấm những người nhiễm HIV kết hôn và sinh con? Theo nghiên cứu của ngành y tế, tỷ lệ người mẹ có HIV dương tính lây truyền sang con nếu không được điều trị dự phòng là từ 30-35%, có nghĩa là trung bình cứ 100 đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm HIV thì có tới 30-35 đứa trẻ bị nhiễm HIV[6]. Trong trường hợp này, quyền lợi của trẻ em ít nhiều đã bị ảnh hưởng, thế thì tại sao pháp luật không cấm người nhiễm HIV kết hôn[7]? Nếu vậy, cũng nên đối xử công bằng với NĐT và không nên sử dụng lý do này để khước từ quyền kết hôn của họ.
Thứ tư, lý do cho rằng HNĐG không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội cũng không thực sự thuyết phục. Khi nhiều người chưa có nhận thức đầy đủ về nguồn gốc của đồng tính thì sự kỳ thị là điều tất yếu. Không ít người trong xã hội dễ dàng chấp nhận và tin rằng hầu hết những NĐT là do bị bạn bè rủ rê để thử nghiệm các lối sống mới, chạy theo những thói ăn chơi đua đòi. Do đó xã hội thiếu sự cảm thông đối với tình trạng đồng tính. Cũng chính vì quan niệm rằng đồng tính là do ảnh hưởng từ lối sống, sinh hoạt của những NĐT trước đó nên cộng đồng đã bỏ mặc và xa lánh NĐT để tránh khỏi bị “lây lan”.
Cuối cùng, đa số không phải lúc nào cũng đúng, ý kiến của số đông không phải lúc nào cũng là chân lý. Khi cả Giáo hội công giáo và số đông tín đồ cho rằng mặt trời quay  quanh trái đất thì chỉ có Giordano Bruno mạnh dạn nói lên chân lý là trái đất quay quanh mặt trời. Kết quả của lời nói ấy là việc Giordano Bruno phải lên giàn hỏa thiêu nhưng ông đã khẳng định một chân lý là số đông không phải lúc nào cũng đúng. Với tư duy đó thì thật khó để thuyết phục rằng số ít NĐT phải chấp hành theo số đông người dị tính.
Chúng tôi cho rằng, lý do quan trọng của việc cấm kết hôn đồng giới chính là quan niệm của xã hội về hôn nhân. Việt Nam là đất nước chịu nhiều ảnh hưởng từ tôn giáo, tín ngưỡng. Trong suốt các triều đại phong kiến Việt Nam, tư tưởng Nho giáo đã được du nhập và đề cao, trong đó, hôn nhân mang tính quy luật của âm - dương. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh trăm con cũng đề cao thuyết âm dương giao hòa sinh ra vạn vật[8]. Hôn nhân với hai chủ thể nam và nữ tham gia đã là triết lý ổn định, khó thay đổi trong tư duy của người Việt Nam. Do đó, nếu quy định quyền kết hôn giữa những NCGT sẽ rất khó đạt được sự đồng thuận của xã hội nói chung cũng như của các cơ quan xây dựng pháp luật nói riêng[9]. Không phải ngẫu nhiên mà trong Công văn số 3460/BTP-PLDSLT gửi các ban, ngành, đoàn thể xã hội, Bộ Tư pháp nhận định: “Mặc dù trên thế giới đã có một số nước và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính nhưng ở Việt Nam đây vẫn là một vấn đề nhạy cảm và còn nhiều quan điểm trái ngược”.
2. Những hình thức chung sống giữa hai người cùng giới trên thế giới
Hiện chưa có cuộc điều tra nào thống kê một cách chính xác số NĐT ở nước ta. Do các nguyên nhân khác nhau mà nhiều NĐT không muốn công khai xu hướng tính dục của mình. Tuy nhiên, nếu lấy tỉ lệ trung bình mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% thì số NĐT và song tính tạm tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 đến 59 vào khoảng 1,65 triệu người[10]. Ngoài ra, theo điều tra của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE)năm 2012 thì 92% người được hỏi (mẫu nghiên cứu là 2.401 người) muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới. Nghiên cứu đồng tính nam cho kết quả: 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn đồng giới, 25% muốn được chung sống có đăng ký, 4% muốn sống chung không đăng ký. Nghiên cứu đồng tình nữ cho thấy: Nếu pháp luật cho phép thì 77% trong số họ muốn kết hôn, 3% không muốn, 16% không thấy kết hôn là quan trọng[11]. Jean Jacques Rousseau từng viết: “Muốn cho một ý chí trở thành ý chí chung, không nhất thiết lúc nào cũng phải tuyệt đối trăm người như một, nhưng điều cần thiết là mỗi tiếng nói đều được đếm xỉa tới. Nếu gạt bỏ dù là hình thức, một số tiếng nói nào đó, thì ý chí chung sẽ bị tan rã”[12].
Có thể nhận thấy nhu cầu kết hôn của những NĐT là chính đáng và cần được pháp luật thừa nhận. Ngay trong công văn lấy ý kiến sửa đổi Luật HNVGĐ, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận rằng: “xét về bảo đảm quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn giữa những NCGT cần được công nhận”. Tuy nhiên, do rất nhiều rào cản khác nhau nên có quốc gia công nhận và hợp pháp hóa HNĐG, có quốc gia lại không công nhận. Ngay cả ở Mỹ, quốc gia nổi tiếng về tự do và bản thân Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố ủng hộ việc kết hôn đồng tính, thì hình thức hôn nhân này vẫn bị coi là bất hợp pháp tại rất nhiều bang.
Cách đây không lâu, khi trả lời phỏng vấn trước báo giới, ông Trưởng Ban biên tập Dự thảo Luật HNVGĐ (sửa đổi) cho biết: “Chúng ta chưa thừa nhận HNĐG ở thời điểm này nhưng phải có giải pháp để họ có môi trường pháp lý khi sống chung và xử lý được các hậu quả phát sinh từ việc sống chung đó”[13]. Đồng quan điểm với ý kiến này, chúng tôi cho rằng, ở nước ta hiện nay, hợp pháp hóa hôn nhân giữa những NCGT là điều chưa thể, tuy nhiên, pháp luật cũng cần dự liệu những vấn đề phát sinh trong quá trình chung sống của những NĐT và nên cân nhắc thừa nhận các hình thức thay thế hôn nhân (alternatives), trong đó có hình thức là kết hợp dân sự - KHDS (civil union) và đối tác chung nhà - ĐTCN (domestic partnership).
KHDS và ĐTCN là những hình thức thay thế hôn nhân theo nghĩa tuy không được công nhận hôn nhân, nhưng hai NĐT có quyền chung sống với nhau, được hưởng một số quyền lợi và nghĩa vụ nào đó trong luật hôn nhân tùy theo quy định của từng quốc gia. KHDS và ĐTCN được quy định khác nhau theo pháp luật của mỗi quốc gia, giữa chúng có những nét tương đồng và cũng tồn tại nhiều điểm khác biệt.
 Sự tương đồng giữa KHDS và ĐTCN
Thứ nhất, KHDS và ĐTCN được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận giữa hai bên. Cũng như bao giao dịch dân sự khác, hai hình thức thay thế hôn nhân này đều là sự lựa chọn của hai người đồng giới hay khác giới để chung sống với nhau như vợ chồng và để hưởng một số quyền lợi, nghĩa vụ nhất định.
Thứ hai, việc chung sống dưới hình thức KHDS và ĐTCN phải thỏa mãn những điều kiện luật định[14]. Các điều kiện luật định này có thể là độ tuổi (hầu hết các nước đều quy định phải trên 18 tuổi), giới tính (một số nước chỉ dành các hình thức thay thế hôn nhân này cho người đồng giới như Cộng hòa Czech, Vương quốc Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy…), tình trạng quan hệ (chẳng hạn không được có mối quan hệ KHDS hay ĐTCN với người khác khi đăng ký) và một số trường hợp cấm khác tùy theo pháp luật mỗi nước.
Thứ ba, các bên quan hệ phải đăng ký việc chung sống theo hình thức KHDS hay ĐTCN theo trình tự luật định và việc đăng ký này nhằm công khai hóa về mối quan hệ giữa họ để từ đó nhận được sự bảo hộ của pháp luật[15]. Chỉ khi các bên chung sống theo hai hình thức thay thế hôn nhân này đã đăng ký cho cơ quan có thẩm quyền theo một trình tự, thủ tục luật định thì khi đó mối quan hệ của họ mới chính thức được công nhận bởi pháp luật. Đây là cơ sở vô cùng quan trọng để hình thành nên quyền và nghĩa vụ của họ đối với hình thức KHDS và ĐTCN. Tuy nhiên, trong trường hợp không đăng ký, pháp luật một số nước (như bang South Australia của Australia) vẫn công nhận hình thức hôn nhân thực tế theo một trong hai hình thức thay thế hôn nhân này khi có tranh chấp xảy ra.
Thứ tư, các bên phải cam kết có trách nhiệm hỗ trợ cho nhau cả về mặt tinh thần lẫn vật chất trong cuộc sống chung như vợ chồng[16]. Tuy KHDS và ĐTCN chưa phải là hôn nhân nhưng pháp luật thực định của nhiều nước yêu cầu các bên khi chung sống với nhau theo một trong hai hình thức này phải có nghĩa vụ nhất định đối với nhau như vợ chồng. Bên cạnh một số quyền và nghĩa vụ luật định, khi đăng ký sống chung dưới hình thức ĐTCN hay lập hợp đồng KHDS, pháp luật các nước đòi hỏi các bên phải cam kết hỗ trợ cho nhau ở mức nhất định cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Mức độ cam kết của các bên sẽ được pháp luật từng nước dự liệu ở các chuẩn mực khác nhau.
Thứ năm, các bên trong KHDS hay ĐTCN đều có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với nhau theo luật định nhưng không đầy đủ như hôn nhân[17]. KHDS và ĐTCN tuy không được công nhận hôn nhân, nhưng hai NĐT có quyền chung sống với nhau, được hưởng một số quyền lợi và nghĩa vụ nào đó trong luật hôn nhân tùy theo quy định của từng quốc gia. Vì thế, một hệ quả tất yếu rằng quyền và nghĩa vụ của các bên trong hai hình thức này sẽ không được hưởng đầy đủ như khi họ kết hôn với nhau. Đơn cử, tại Pháp, cặp đôi đồng tính đăng ký KHDS không thể được cấp Sổ gia đình (Livret familial), không được hưởng quy chế quốc tịch của nhau, không có quyền thừa kế tài sản của nhau. Tại Đức, các cặp đôi đồng tính sống chung với nhau dưới hình thức ĐTCN không được giảm các khoản thuế mà các cặp vợ chồng khác được hưởng, chẳng hạn như thuế về thừa kế, các cặp vợ chồng bình thường chỉ phải trả từ 7-30% thuế thừa kế trong khi đó những cặp đồng tính phải trả từ 17-50% tiền thuế[18]. Quyền nhận nuôi con nuôi của họ cũng bị hạn chế hơn.
Thứ sáu, quan hệ KHDS hay ĐTCN chấm dứt theo ý chí của một trong hai hoặc cả hai bên, một bên chết, hay việc đăng ký bị tuyên vô hiệu[19]. KHDS và ĐTCN đều là những giao dịch dân sự giữa hai bên và chấm dứt trong những trường hợp tương tự như các giao dịch khác. Tuy nhiên, hai hình thức thay thế hôn nhân này mang tính tự nguyện rất cao, vì thế chỉ cần một trong hai bên không muốn tiếp tục chung sống theo hai hình thức này thì có quyền thực hiện các thủ tục luật định để tiến hành đơn phương chấm dứt mà không chịu nhiều ràng buộc như một hợp đồng dân sự thông thường.
 Sự khác biệt giữa KHDS và ĐTCN
Bên cạnh những nét tương đồng thì KHDS và ĐTCN vẫn mang những điểm khác biệt. Nhìn chung, theo pháp luật thực định của nhiều nước, KHDS và ĐTCN có những điểm khác biệt như được liệt kê trong bảng dưới đây.
KHDS
ĐTCN
KHDS giống như một dạng hợp đồng giữa hai bên và hợp đồng này phải thỏa mãn các điều kiện luật định dành riêng cho hợp đồng KHDS.
Quan hệ pháp lý giữa hai cá nhân đang cư trú cùng nhau được đăng ký dưới hình thức là thủ tục hành chính.
Mục đích của KHDS nhằm ràng buộc hai người chung sống bởi các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản.
Mục đích chủ yếu của chế định ĐTCN là công nhận sự đóng góp của một đối tác đối với tài sản của người khác.
Các bên tự chủ trong việc quản lý, định đoạt tài sản riêng của mình và chịu trách nhiệm riêng về các giao dịch do mình thực hiện nếu giao dịch đó không quy định các bên phải chịu trách nhiệm liên đới.
Một số cặp đồng giới tham gia quan hệ ĐTCN nhằm tạo ra những quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến bất động sản, tài chính, thừa kế, chăm sóc sức khỏe.
Đây là sự thừa nhận “ban đầu” của một quốc gia trước khi hợp pháp hóa HNĐG. Nói cách khác, KHDS là một bước đệm của hôn nhân cùng giới.
Quan hệ ĐTCN là sự công nhận ở mức thấp nhất của một quốc gia đối với mối quan hệ của các cặp đôi đồng tính. Vì vậy, sự bảo vệ và lợi ích của các bên trong quan hệ ĐTCN thường được quy định tối thiểu nhất. Sự công nhận quan hệ ĐTCN thường mang tính biểu tượng. Nó mang tính biểu tượng vì thể hiện quốc gia không kỳ thị NĐT nhưng cũng chưa sẵn sàng cho việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính[20].
3. Thừa nhận “kết hợp dân sự” - sự “ban phát” hay “khởi đầu” cho quy định hôn nhân đồng giới?
Có thể nhận thấy rằng, việc thừa nhận hôn nhân cùng giới là một xu hướng tất yếu của xã hội phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hợp pháp hóa hôn nhân giữa những NCGT là điều không thể thực hiện trong tương lai gần, do đó, trước khi cho phép NĐT được kết hôn thì cần có những bước “thí điểm” đầu tiên. Theo chúng tôi, mô hình KHDS mang tính khả thi và phù hợp nhất đối với Việt Nam hiện nay. Có 2 lý do thuyết phục chúng tôi đề xuất lựa chọn mô hình “KHDS” thay vì “ĐTCN” là:
Một là, mô hình KHDS đã được áp dụng và đạt được những thành công nhất định tại nhiều quốc gia trước khi các quốc gia này hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Nhìn chung, hầu hết quốc gia thừa nhận HNĐG đều quy định quá độ trong luật từ việc KHDS của cặp đôi đồng tính rồi mới “nâng cấp” thành chế định HNĐG. Hiện có 14 quốc gia trên thế giới công nhận HNĐG[21] thì có đến 9 quốc gia trước đó đã thừa nhận KHDS giữa các cặp đôi đồng tính.
Hai là, như đã trình bày, quan hệ ĐTCN là sự công nhận ở mức thấp nhất của một quốc gia đối với mối quan hệ của các cặp đôi đồng tính. Sự công nhận quan hệ ĐTCN thường mang tính biểu tượng. Nó mang tính biểu tượng vì thể hiện quốc gia không kỳ thị NĐT nhưng cũng chưa sẵn sàng cho việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Trong khi đó, theo chúng tôi, vấn đề hợp pháp hóa HNĐG chỉ là vấn đề thời gian. Quyền được yêu thương, mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của mỗi con người, xét cả về góc độ tự nhiên và khoa học. Vì vậy, một người sinh ra nếu có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác người bình thường thì đâu phải là lỗi của họ, nên việc cấm kết hôn giữa những NĐT đã làm hạn chế quyền tự do cá nhân của họ. Trên thực tế, pháp luật không cấm những NĐT được chung sống với nhau, pháp luật cũng không cấm họ tổ chức đám cưới, vậy tại sao những hậu quả pháp lý phát sinh trong quá trình chung sống của họ lại không được pháp luật điều chỉnh? Trước đây, chúng ta từng quan niệm: “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Tội bất hiếu có 03 điều thì tội không có con trai là nặng nhất). Thế rồi khi xã hội phát triển, chúng ta đã không xem nặng việc “có con trai nối dõi tông đường”. Thậm chí pháp luật Việt Nam còn xem hành vi phân biệt “giới tính” là vi phạm pháp luật. Trước đây, chuyện một bà mẹ không có chồng mà có con là trái với thuần phong mỹ tục. Hình phạt của tội “chửa hoang” là bị “cạo đầu bôi vôi”… Thế rồi sau đó, luật cũng công nhận chuyện một người phụ nữ không có chồng mà có con. Pháp luật vẫn bảo hộ người mẹ và đứa bé ấy như những người phụ nữ có chồng rồi mới sinh con. Qua hai câu chuyện trên, có thể thấy, khi pháp luật thừa nhận và bảo vệ thì xã hội cũng có những góc nhìn thông thoáng, cởi mở hơn. Vậy tại sao chúng ta không công nhận hôn nhân đồng tính với khởi đầu là việc thừa nhận “KHDS”?
Hiện nay, vẫn có ý kiến cho rằng công nhận quyền kết hôn của NĐT dưới hình thức KHDS được coi như là “ban phát” quyền cho NĐT[22]. Nhà nước được thành lập ra là để bảo vệ các “quyền tự nhiên” cho con người chứ không phải là ban phát quyền cho con người như cách ghi nhận KHDS. Trái với ý kiến trên, chúng tôi cho rằng KHDS không phải là sự “ban phát” quyền cho NĐT mà chỉ là “khởi đầu” cho quy định HNĐG. Hình thức KHDS là mô hình của kỹ thuật lập pháp “tách biệt nhưng bình đẳng” (separate but equal), với ý tưởng là không làm đụng chạm đến những chế định truyền thống, nhạy cảm mà vẫn tạo ra sự công bằng cho mọi người một cách hợp pháp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi hiện nay đa số người dân Việt Nam vẫn duy trì tư tưởng “hôn nhân là sự kết hợp giữa hai bên nam - nữ” và mục đích của hôn nhân là “sinh con, duy trì nòi giống”.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng “tại sao lại “mặc cả” với pháp luật”? Tại sao không yêu cầu Nhà nước công nhận HNĐG mà phải trải qua giai đoạn là KHDS. Chúng tôi cho rằng KHDS là một bước đệm của HNĐG. Một điều chắc chắn là sẽ không có Luật Bình đẳng giới hay Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nếu như trước đó không có những phong trào đấu tranh chỉ ra vị trí không bình đẳng của nữ giới so với nam giới trong xã hội. Kết quả của những cuộc đấu tranh này đã được ghi nhận “từng bước” để rồi trở nên hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn trong tư duy những nhà lập pháp. Với cách nhìn nhận ấy thì thật khó để bất cứ một xã hội nào ngay lập tức công nhận HNĐG trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp cũng muốn có một bước đệm, một khoảng thời gian chuyển tiếp để xã hội có thể thay đổi dần suy nghĩ cố hữu về hôn nhân là mối quan hệ giữa nam và nữ. Một khi nhận thức của con người vẫn chưa vượt qua “điểm nghẽn” về xu hướng tính dục và bản dạng giới thì chưa thể đòi hỏi ngay việc công nhận HNĐG. Nhiều nước trên thế giới đã đi theo cách này để tiến tới đề xuất công nhận hôn nhân không phân biệt giới tính. Và đây là một kinh nghiệm quý báu cần được được tiếp thu ở Việt Nam.
Cuối cùng có quan điểm băn khoăn cho rằng: việc Nhà nước thừa nhận chế định KHDS để làm gì? NĐT chẳng cần Nhà nước thừa nhận vợ chồng thì họ vẫn có thể có con nuôi, có tài sản chung do hai bên thỏa thuận, có thừa kế do hai bên di chúc cho nhau. Như vậy thừa nhận chế định KHDS thực chất không giúp được gì cho việc mưu cầu hạnh phúc của NĐT.
Điều dễ dàng nhận thấy ở đây là NĐT chưa bao giờ và không bao giờ từ bỏ quyền được kết hôn của mình. Trên thực tế có nhiều cặp đôi đồng tính sống với nhau như vợ chồng nhưng lại không khác gì những người xa lạ. Đơn cử, khi một người đột ngột qua đời mà không để lại di chúc thì người còn sống hoàn toàn không có quyền thừa kế. Tài sản do hai người tạo lập ra trong thời kỳ chung sống nhưng chỉ một người có quyền sở hữu hợp pháp với tài sản đó. Trong quá trình chung sống hai người nhận con nuôi nhưng chỉ có một người là cha/mẹ hợp pháp của đứa con nuôi, còn người kia hoàn toàn không có quyền gì. Để góp phần giải quyết những vấn đề này và để xã hội có sự thích nghi dần dần thì có lẽ, hình thức KHDS vẫn là một lựa chọn hợp lý nhất trong tình hình của Việt Nam hiện nay.
Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tháng 6/2011) đã khẳng định “mọi người đều có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào[23]. Đến ngày 7/3/2012, tại Phiên họp thứ 19 của Hội đồng Nhân quyền, Tổng thư ký Liên hợp quốc  đã có bài phát biểu lịch sử kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới không phân biệt đối xử hoặc có những rào cản đối với NĐT. Cần phải thấy rằng, xu hướng tính dục và bản dạng giới là một yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của con người bởi khi được sinh ra, chẳng ai có thể lựa chọn được xu hướng tính dục và bản dạng giới cho mình. Chính vì vậy, một người có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt những người khác thì đó không chỉ là nỗi đau của một con người mà còn là nỗi đau của nhiều người và của toàn xã hội. Không chỉ bản thân người có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt phải chịu một sự thiệt thòi to lớn từ khi mới chào đời mà cha mẹ, người thân, họ hàng của họ cũng đau khổ. Trên phương diện công ước và pháp quyền, con người tuy không đồng đều nhau về thân thể và trí tuệ vẫn được hoàn toàn bình đẳng như nhau[24]. Chính vì vậy, theo chúng tôi, trong lần sửa đổi Luật HNVGĐ này, Quốc hội nên thừa nhận chế định “KHDS” bởi suy cho cùng luật là sự thống nhất cái tổng thể của ý chí với tổng thể của đối tượng[25]. Việc thừa nhận chế định “KHDS” sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thúc đẩy cơ hội bình đẳng và chống phân biệt đối xử với NĐT./.

 


[1] Khoản 5 Điều 10 Luật HNVGĐ năm 2000.
[2] Trên thực tế thì hai người dị tính luyến ái không có nhu cầu kết hôn với nhau nhưng nếu họ muốn kết hôn với nhau thì vẫn bị coi là trái pháp luật.
[3] Dương Hoán, “Quyền kết hôn của NĐT”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương” do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 04/12/2010, tr.134.
[4] Trường Đại học Luật TP.HCM, Tập bài giảng Luật HNVGĐ, 2009, tr.67.
[5] Chính sách dân số của Nhà nước ta là mỗi gia đình nên có từ 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt. Từ chính sách này mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Dân số năm 2003 và Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 quy định chỉ 7 trường hợp ngoại lệ được quyền sinh con thứ 3. Ngoài 7 trường hợp này thì người nào sinh con thứ 3 đều bị xem là vi phạm pháp luật.
[6] Báo Đồng Nai (Cơ quan của Đảng Bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai), “Người nhiễm HIV có nên sinh con”?, Thứ ba, ngày 07/02/2012.
[7] Đối với những đứa trẻ này, 15-20% sẽ tiến triển thành AIDS trong 12 tháng đầu, một số tiến triển trong 2-3 năm sau. Nếu tiến triển thành AIDS toàn phát, trẻ sẽ chết vì các bệnh như viêm phổi kẽ, tưa lưỡi nặng, gan to, lách to, nhiều hạch, tiêu chảy kéo dài... Có trường hợp trẻ tử vong ngay lúc còn là bào thai trong bụng mẹ. Những trẻ may mắn không bị nhiễm HIV thì cũng bị nguy cơ cao phải mồ côi mẹ.
[8] Cao Ngọc Lân - Cao Vũ Minh, “Tìm hiểu các triều đại Việt Nam” (sách tham khảo), Nxb. Lao Động, 2011, tr.19.
[9] Đỗ Gia Thắng, “Một số quy định của pháp luật liên quan đến quyền của chuyển giới (LGBT) trong pháp luật dân sự, thực trạng và một số kiến nghị”, Tài liệu Hội thảo “NĐT, song tính và chuyển giới: Những quy định pháp luật và quan điểm cộng đồng” do Viện Nghiên cứu Lập pháp và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tổ chức ngày 27/7/2013 tại TP.HCM.
[10] Tính theo dân số Việt Nam năm 2007 có 55,38 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 59.
[11] VnExpress.net, “Cửa cho hôn nhân đồng tính vẫn còn khép chặt”, Thứ sáu, ngày 13/7/2012.
[12] Jean Jacques Rousseau, “Bàn về khế ước xã hội”, Thanh Đạm dịch, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, năm 1992, tr.15.
[13] Báo Sài Gòn giải phóng, “Về dự thảo Luật HNVGĐ (sửa đổi): Không ngại “sốc” văn hóa”, Thứ bảy, ngày 20/04/2013.
[14] Điều 4 Đạo luật KHDS của Nam Phi; Dự luật về KHDS đã được thông qua của Cộng hòa Czech; Điều 297 Điểm b Khoản 1 của Bộ luật Gia đình bang California - Hoa kỳ; Điều 8 Đạo luật KHDS của New Zealand; Điểm b Khoản 1 Điều 3 Đạo luật KHDS của Vương quốc Anh năm 2004; Điều 3 Đạo luật KHDS của Thụy Điển; Điều 2 Luật KHDS của Nauy; Khoản 5 và 6 Điều 53 Đạo luật Thống kê thiết yếu của bang Nova Scotia - Australia; Khoản 3 Điều 26.60.030 Đạo luật về Đăng ký ĐTCN của bang Washington Hoa Kỳ; Đạo luật ĐTCN của Thụy sĩ; Khoản 1 Điều 3 Đạo luật về Tài sản trong ĐTCN 1996 của bang South Australia; Điều 122A.100 Khoản 2 Điểm b Đạo luật ĐTCN bang Nevada.
[15] Điều 12 Đạo luật KHDS của Nam Phi; Dự luật về KHDS đã được thông qua của Cộng hòa Czech; Điều 297.5 Điểm a Bộ luật gia đình bang California - Hoa kỳ; Điều 14 Đạo luật KHDS của New Zealand; Điều 2 Đạo luật KHDS của Anh quốc 2004; Điều , Đạo luật sửa đổi Đạo luật Hôn nhân gia đình 1989 của Đan Mạch; Điều 7 Đạo luật KHDS của Thụy Điển; Điều 3 Luật KHDS của Nauy; Điều 54 Đạo luật Thống kê thiết yếu của bang Nova Scotia - Australia; Khoản 3 Điều 26.60.60 Đạo luật về Đăng ký ĐTCN của bang Washington Hoa Kỳ; Đạo luật ĐTCN 2007 của Thụy Sĩ; Điều 122A.100 Khoản 1 Đạo luật ĐTCN bang Nevada.
[16]Denis Clifford, 2010, A Legal Guide for Lesbian & Gay Couples, 15th edition, Nolo pubisher, tr.39; Dự luật về KHDS đã được thông qua của Cộng hòa Czech; Điều 297 Khoản a Bộ luật Gia đình bang California - Hoa kỳ; Điều 65 Đạo luật KHDS của Anh quốc 2004; Điều 54 Khoản 2 Đạo luật Thống kê thiết yếu của bang Nova Scotia - Australia; Điều 26.60.010 Đạo luật về Đăng ký ĐTCN của bang Washington Hoa Kỳ; Đạo luật ĐTCN của Thụy sĩ; Điều 3 Khoản 1 Định nghĩa về “Domesitc partnership” Đạo luật về Tài sản trong ĐTCN 1996 của bang South Australia; Điều 122A.200 Đạo luật ĐTCN bang Nevada; Điều 1 Dự luật đã được thông qua của bang Victoria - Australia.
[17] Điều 13 Đạo luật KHDS của Nam Phi; Dự luật về KHDS đã được thông qua của Cộng hòa Czech; Điều 297 Bộ luật Gia đình bang California - Hoa kỳ; Điều 16 Khoản 2 Đạo luật KHDS của New Zealand; Điều 3 Đạo luật sửa đổi Đạo luật Hôn nhân gia đình 1989 của Đan Mạch; Điều 1 và 2 Chương 3 Đạo luật KHDS của Thụy Điển; Điều 3 Luật KHDS của Nauy; Điều 54 Khoản 2 Đạo luật Thống kê thiết yếu của bang Nova Scotia - Australia; Điều 26.60.100 Đạo luật về Đăng ký ĐTCN của bang Washington Hoa Kỳ; Đạo luật ĐTCN của Thụy Sĩ; Phần 3 Đạo luật về Tài sản trong ĐTCN 1996 của bang South Australia; Điều 122A.200 Khoản 2 Điểm b Đạo luật ĐTCN bang Nevada; Điều 1 Dự luật về Quan hệ hôn nhân đã được thông qua của bang Victoria - Australia.
[19] Điều 9 Đạo luật KHDS của Nam Phi; Dự luật về KHDS đã được thông qua của Cộng hòa Czech; Điều 28 Đạo luật KHDS của New Zealand; Điều 44 và 49 Đạo luật KHDS của Anh quốc 2004; Điều 5 Đạo luật sửa đổi Đạo luật Hôn nhân gia đình 1989 của Đan Mạch; Chương 2 Đạo luật KHDS của Thụy Điển; Điều 7 Dự luật về KHDS đã được thông qua của Iceland; Điều 55 Đạo luật Thống kê thiết yếu của bang Nova Scotia - Australia; Khoản 3 Điều 26.60.100 Đạo luật về Đăng ký ĐTCN của bang Washington Hoa Kỳ; Đạo luật ĐTCN 2007 của Thụy Sĩ; Điều 7 Đạo luật về Tài sản trong ĐTCN 1996 của bang South Australia; Điều 122A.300 Đạo luật ĐTCN bang Nevada.
[20] Marriage, Civil Unions and Domestic Partnerships: A Comparison. Xem thêm: http://equalitymaine.org/marriage-civil-unions-and-domestic-partnerships-comparison.
[21] Tính đến ngày 30/4/2013, có 14 quốc gia công nhận HNĐG là Đan Mạch, Na Uy, Nam Phi, Thụy Điển, Iceland, Hà Lan, Canada, Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha, Argentina, Tây Ban Nha, New Zealand, Uruguay.
[22] Trương Hồng Quang, “Một số góc nhìn về hôn nhân giữa những NCGT”. Truy cập ngày 05/8/2012 từ trang: http://taoxanh.net/forum/showthread.php?242862-M%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-g%C3%B3c-nh%C3%ACn-v%E1%BB%81-h%C3%B4n-nh%C3%A2n-gi%E1%BB%AFa-nh%E1%BB%AFng-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-c%C3%B9ng-gi%E1%BB%9Bi-t%C3%ADnh 
[23] “Nhận định chung thứ 19: Bảo vệ gia đình, quyền hôn nhân và bình đẳng của các phối ngẫu”, Uỷ ban Nhân quyền, Văn kiện Liên hợp quốc. HRI/GEN/1/Rev.2 (1990).
[24] Jean Jacques Rousseau, Tlđd, tr.51.
[25] Jean Jacques Rousseau, Tlđd, tr.69.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 7(263), tháng 4/2014)