Quyền kết hôn của người đồng tính

01/02/2014

TRƯƠNG HỒNG QUANG

Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

Theo Nghị quyết số 23/2012/QH13 của Quốc hội ngày 12/6/2012 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HNVGĐ) năm 2000 dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6. Trong quá trình soạn thảo Dự án Luật này, nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận như: độ tuổi kết hôn, chế định ly thân, hôn nhân thực tế... Trong đó, chủ đề về quan hệ sống chung của người đồng tính - NĐT (trong đó có quyền kết hôn - QKH) nhận được sự quan tâm khá nhiều từ dư luận. Liệu kết hôn giữa những người cùng giới tính - NCGT (kết hôn cùng giới) có làm suy thoái đạo đức xã hội, đi ngược lại truyền thống? Đâu là những rào cản của việc ghi nhận QKH của NĐT? Ảnh hưởng của nhận thức xã hội về đồng tính đến việc ghi nhận quyền này ở Việt Nam như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số khía cạnh trong chủ đề kết hôn cùng giới tại Việt Nam hiện nay.
Untitled_408.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Bối cảnh
Trên thế giới, tính đến hết tháng 12/2013 đã có 16 nước hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới (HNCG)[1]. Nếu tính những vùng lãnh thổ ở những quốc gia có hình thức cấu trúc nhà nước liên bang (Hoa Kỳ, Mehico, Brazil) thì số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ hợp pháp hóa HNCG hiện tại là 19[2]. Bên cạnh đó, có 17 quốc gia và 13 vùng lãnh thổ thừa nhận hình thức “kết đôi có đăng ký” cho các cặp đôi cùng giới[3]. Đặc biệt có 03 quốc gia thừa nhận hình thức sống chung không đăng ký cho các cặp đôi cùng giới[4]. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác đang trong quá trình xem xét hợp thức hóa quan hệ cùng giới hoặc “nâng cấp” từ “kết hợp dân sự” (sống chung có đăng ký) lên “kết hôn” với đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm. Có thể nhận thấy, thời gian gần đây nhất là trong năm 2012-2013 có khá nhiều quốc gia thừa nhận hoặc đang xem xét HNCG. Một số quốc gia khá bảo thủ (ví dụ như Cộng hòa Pháp) cũng đã chấp nhận vấn đề này. Quan điểm của các chính trị gia về vấn đề này được thể hiện mạnh mẽ hơn. Ngày 26/06/2013, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ có quyết định gỡ bỏ lệnh cấm kết hôn đồng giới tại bang California - bang có đông dân nhất[5]. Bên cạnh đó, Tòa cũng bãi bỏ một phần quan trọng của Đạo luật Bảo vệ hôn nhân (DOMA), nhằm đảm bảo các cặp đôi đồng tính đã kết hôn được hưởng các quyền lợi an sinh xã hội như những cặp đôi bình thường khác. Như vậy, với việc thừa nhận QKH đồng tính tại bang California, đã có hơn 1/3 dân số Hoa Kỳ được thừa nhận quyền này. Đây có thể được xem là một thắng lợi lớn của cuộc vận động quyền LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới). Tổng thống Barack Obama đã phát biểu trên đường đến châu Phi như sau: "Phán quyết này là một thắng lợi cho những cặp đã đấu tranh cho việc được đối xử công bằng trước pháp luật; cho những đứa trẻ mà việc kết hôn của cha mẹ chúng từ giờ sẽ được pháp luật thừa nhận; cho những gia đình mà giờ đây cuối cùng họ cũng đã nhận được sự bảo vệ và tôn trọng mà họ đáng được hưởng; và cho những người bạn, người vận động chỉ muốn được thấy những người thân của họ được đối xử bình đẳng và đã cố gắng hết sức để có thể làm quốc gia mình thay đổi theo chiều hướng tốt lên".
Bên cạnh đó, tháng 6/2011, Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua Nghị quyết khẳng định: "mọi người đều có quyền bình đẳng, bất kể thiên hướng tình dục như thế nào"[6]. Đến ngày 7/3/2012, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon đã có bài phát biểu lịch sử kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới phi hình sự hóa đồng tính, chấm dứt kỳ thị với những người LGBT[7]. Như vậy, lần đầu tiên, người đứng đầu tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh đã đưa ra một thông điệp rõ ràng và đầy tính ủng hộ đối với vấn đề LGBT, và đây cũng là quan điểm của cả LHQ khi gần đây liên tiếp có những động thái để giải quyết vấn đề kỳ thị phân biệt dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa có cuộc điều tra nào ước lượng số người là đồng tính. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu khác nhau nhưng cho các tỉ lệ khác nhau, biến động từ 1% đến 9% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục tự nhận họ là NĐT và song tính[8]. Điều tra quốc gia về phát triển gia đình ở Hoa Kỳ năm 2002 cho kết quả 4,1% nam giới và 4,1% nữ giới tự nhận mình là NĐT và song tính. Ở Canada, theo kết quả điều tra tháng 6 năm 2012 thì có 5% dân số tự nhận mình là NĐT, song tính và chuyển giới[9]. Điều tra quốc gia ở Pháp năm 1991 cho kết quả có 10,7% nam giới và 3,3% phụ nữ có hành vi tình dục đồng giới và 8,5% nam giới và 11,7% phụ nữ thừa nhận có hấp dẫn tình dục đồng giới nhưng không có hành vi quan hệ tình dục đồng giới. Như vậy, nếu lấy tỉ lệ trung bình, “an toàn” mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% thì số NĐT tạm tính ở Việt Nam vào khoảng 2,66 triệu người (tính theo dân số Việt Nam năm 2012 có 88,78 triệu người)[10].
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HNVGĐ được thực hiện trong bối cảnh có nhiều diễn biến mới về vấn đề đồng tính tại Việt Nam thời gian qua. Cộng đồng NĐT đã hiện diện một cách công khai hơn, rõ ràng hơn trong xã hội Việt Nam với sự phát triển của các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng, văn học nghệ thuật hay phim ảnh… Sự ra đời và phát triển của một số tổ chức vận động quyền cho nhóm LGBT như Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE, Hà Nội), Trung tâm ICS (Trung tâm bảo vệ quyền của người LGBT, Thành phố Hồ Chí Minh) đã góp phần thúc đẩy phong trào bảo vệ quyền của NĐT tại Việt Nam. Đặc biệt trong ba năm 2011-2013 đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trên phương diện truyền thông, báo chí về vấn đề đồng tính (nhận thức đúng hơn, chuyển tải những hình ảnh toàn diện hơn về cộng đồng NĐT). Đến thời điểm hiện tại, các khái niệm như xu hướng tính dục, bản dạng giới, HNCG đã không còn quá xa lạ và một số khái niệm chưa đúng như thế giới thứ ba, giới tính thứ ba, bệnh hoạn đã phần nào được hạn chế... Tuy nhiên, nhìn chung, quan niệm của xã hội về đồng tính cũng như HNCG vẫn chưa được thay đổi một cách đáng kể[11]. Ví dụ như theo một nghiên cứu gần đây, có 77% người dân Việt Nam được hỏi đồng ý phải bảo vệ quyền của NĐT nhưng chỉ có 36.6% đồng ý cho NĐT có QKH[12].
Liên quan đến QKH, xét về kỹ thuật lập pháp, pháp luật hiện hành sử dụng quy phạm “cấm” việc kết hôn giữa những NCGT (khoản 5 Điều 10 Luật HNVGĐ năm 2000) dễ tạo ra hiệu ứng định kiến xã hội đối với NĐT. Mặt khác, chung sống giữa những NCGT là một hiện tượng xã hội có thật, từ đó phát sinh các quan hệ về nhân thân, tài sản hoặc về con (ví dụ nhận con nuôi), pháp luật không thừa nhận hôn nhân của họ, nhưng cũng phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh các hậu quả về nhân thân, tài sản và con từ việc chung sống giữa những NCGT. Thực tiễn xét xử của Tòa án trong thời gian qua, đã có một số vụ việc tranh chấp về tài sản giữa những NĐT có quan hệ sống chung, nhưng chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để giải quyết tranh chấp[13]. Thời gian gần đây đã xuất hiện một số đám cưới giữa những NCGT (tự phát, không được đăng ký kết hôn)[14]. Những thực tế này đã cho thấy kết hôn là nhu cầu rất chính đáng của tất cả mọi người, trong đó có cả NĐT[15].
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 4 của Luật HNVGĐ năm 2000 (về các nguyên tắc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình) quy định cấm cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn. Vấn đề đặt ra là nếu NĐT vì lý do áp lực gia đình, xã hội nên chấp nhận kết hôn với một người khác giới thì liệu có vi phạm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hay không? Đây là một nguyên tắc rất cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình ở nước ta đồng thời cũng là một điều kiện thiết yếu để đảm bảo hạnh phúc, sự bền vững gia đình[16]. Tuy nhiên việc xác định như thế nào là tự nguyện kết hôn là điều không đơn giản trong thực tế. Tình cảm là yếu tố thiêng liêng nhưng lại vô hình, không thể định lượng được trong quy phạm pháp luật hay thực tế áp dụng. Nếu NĐT kết hôn với người khác giới do quan niệm thường thấy của xã hội hiện nay thì chắc chắn việc kết hôn đó bị cưỡng ép bởi gia đình, xã hội xung quanh hoặc vì yếu tố khác nên hôn nhân không đáp ứng nguyên tắc tự nguyện. Hơn nữa, nếu người bạn đời kết hôn với NĐT không biết sự thật về xu hướng tính dục của chồng/vợ mình thì điều kiện cấm kết hôn giả tạo sẽ bị vi phạm. Với những hạn chế này đã đặt ra đòi hỏi pháp luật phải có những thay đổi nhất định để đảm bảo thực thi tốt trong xã hội.
2. Nhu cầu công nhận mối quan hệ đồng giới tại Việt Nam hiện nay
Tại Việt Nam thời gian qua, nhu cầu công nhận mối quan hệ đồng giới là có thật, được thể hiện qua một số điểm sau đây:
- Khá nhiều ý kiến mong muốn thừa nhận quan hệ đồng giới. Theo khảo sát của Vnexpress trong tháng 8/2013, có 1.388/1.732 người (chiếm 80.14%) đề nghị thừa nhận và có 344/1.732 người (chiếm 19.86%) không đồng ý thừa nhận[17].
- Một số cặp đôi đã tổ chức lễ cưới đồng tính như: Đồng tính nữ (tháng 12/2010, Hà Nội); đồng tính nam (6/2011, TP. Hồ Chí Minh); đồng tính nữ (2012, Cà Mau); đồng tính nam (tháng 5/2012, Kiên Giang); đồng tính nữ (tháng 7/2012, Bình Dương). Dĩ nhiên, việc tổ chức này chỉ có ý nghĩa tinh thần, như một thông báo về sự công khai xu hướng tính dục và lựa chọn bạn đời và không có ý nghĩa về mặt pháp lý. Trong đó, đám cưới đồng tính tại Kiên Giang đã bị Ủy ban nhân dân Phường xử phạt hành chính[18]. Thực tế, hành vi xử phạt này là không đúng vì bản thân cặp đôi này không đăng ký kết hôn nên không vi phạm quy định của pháp luật HNVGĐ. Điều này cho thấy có sự tùy tiện trong hoạt động thi hành pháp luật tại Việt Nam hiện nay.
- Trong cuộc điều tra về đồng tính nữ năm 2012 có 92% người được hỏi (mẫu nghiên cứu trên 2.401 người) muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới[19]. Trong điều tra tương tự năm 2012 do Trung tâm ICS thực hiện với hơn hai nghìn NĐT nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn cùng giới, 25% muốn được sống chung có đăng ký và 4% muốn được sống chung không đăng ký. Trong nghiên cứu đồng tính nữ, nếu pháp luật cho phép, 77% cho rằng họ muốn kết hôn, 3% không muốn, 16% cho rằng kết hôn hay không không quan trọng và số còn lại không rõ mong muốn của mình. Về nhu cầu sinh con, 70% NĐT nữ muốn có con, 13% không muốn và 17% không rõ.
- Theo khảo sát vào tháng 6 năm 2012 của Vnexpress, với câu hỏi “Là NĐT, nếu được Luật cho kết hôn thì bạn sẽ làm gì?”, trong số 1.299 NĐT có 856 người chiếm 65.9% sẽ công khai cưới người tôi yêu, 296 người chiếm 22.8% sẽ chỉ đăng ký, không tổ chức cưới, 91 người chiếm 7% sẽ không cưới, không đăng ký mà về sống chung với nhau, có 28 người chiếm 2.2% sẽ không dám sống chung vì sợ lộ thân phận, còn lại 28 người chiếm 2.2% có ý kiến khác.
3. Một số quan điểm đối với vấn đề kết hôn cùng giới tại Việt Nam hiện nay
Có thể nhận thấy, yếu tố văn hóa, truyền thống, tư tưởng châu Á ảnh hưởng khá nhiều đến các quan niệm về đồng tính và HNCG tại Việt Nam hiện nay. Từ cơ sở này, nhiều quan ngại về tính truyền thống hay mô hình gia đình sẽ bị phá vỡ thường được đề cập ở Việt Nam. Dưới đây, chúng tôi xin đề cập đến một số vấn đề then chốt trong chủ đề HNCG.
3.1. Thay đổi chuẩn mực truyền thống hay thay đổi định kiến xã hội?
Một câu hỏi luôn được đặt ra khi xem xét chủ đề HNCG, đó là liệu HNCG có làm suy thoái đạo đức, thay đổi chuẩn mực truyền thống hay không? HNCG liệu sẽ làm suy thoái nòi giống, đi ngược lại giá trị của cuộc sống hay không? Cho đến thời điểm hiện tại những câu hỏi này vẫn xuất hiện đều đặn tại các diễn đàn, hội thảo khoa học. Chúng tôi cho rằng những tác giả đưa ra các câu hỏi này không sai. Nhưng chính định kiến, sự kỳ thị đã khiến hầu hết mọi người luôn đặt ra những câu hỏi đó. Vì vậy, thực chất, việc chấp nhận người đồng tính hay HNCG là sự thay đổi định kiến, sự kỳ thị chứ không phải là thay đổi chuẩn mực sống hay giá trị truyền thống. Việc thay đổi quan niệm, quan điểm hay một hình thái khác là điều tất yếu của xã hội trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Điều cơ bản là ở vấn đề thời gian và các tác nhân tác động đến sự thay đổi đó.
Trong các quan điểm phản đối hiện nay, có thể thấy rõ nét nhất là quan điểm về khái niệm gia đình. Hầu hết các quan điểm ở Việt Nam hiện nay đều lo ngại thừa nhận HNCG sẽ làm phá vỡ “gia đình”, đi ngược lại một chức năng cơ bản của gia đình là duy trì nòi giống[20]. Theo chúng tôi, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng và là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Những chủ đề nghiên cứu về gia đình luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Trong thực tiễn, khái niệm về gia đình vẫn chưa được xác định một cách thống nhất và rõ ràng. Tùy thuộc vào quan điểm và các phương pháp tiếp cận, người ta có thể đưa ra những khái niệm khác nhau về gia đình. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đồng thuận một cách hiểu chung nhất: "Gia đình là đơn vị cơ bản của tổ chức xã hội và là môi trường tự nhiên cho sự phát triển và hạnh phúc của mỗi thành viên, nhất là trẻ em" (Tuyên bố của LHQ về tiến bộ xã hội trong phát triển). Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về gia đình. Một số ý kiến cho rằng trên thế giới hiện nay xuất hiện nhiều dạng gia đình biến thái khiến cho mọi định nghĩa về gia đình đều trở nên bất cập. Chẳng hạn, một học giả phương Tây - James W. Vander Zanden - cho biết: "Một cuộc thăm dò mới đây đã cho thấy 45% người Mỹ ngày nay cho rằng một đôi không cần kết hôn mà cùng chung sống với nhau thì được coi là một gia đình đích thực, 33% coi các đôi cùng giới tính có nuôi nấng con cái là gia đình, còn 20% thì coi các cặp đồng giới tính chung sống với nhau là một gia đình"[21]. Những ý kiến này đều cho rằng đây có thể là sự mở rộng thái quá trong quan niệm về gia đình mà người Việt Nam ta khó lòng chấp nhận. Đối với người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, gia đình là một giá trị xã hội quan trọng vào bậc nhất. Nếu ở châu Âu gia đình nhiều khi đơn giản chỉ được coi là một nhóm xã hội thì ở ta, gia đình được coi là một tế bào xã hội có tính sản sinh với đầy đủ các yếu tố cấu thành của nó như vợ - chồng - con cái. Dường như, những quan điểm gay gắt này vẫn còn tồn tại rất nhiều ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên tất cả những điều này cũng cho thấy, khái niệm gia đình vẫn hoàn toàn có thể được thay đổi để có sự điều chỉnh phù hợp hơn với những trạng thái khác nhau trong xã hội.
Tại Việt Nam từ trước đến nay, khái niệm kết hôn vẫn được hiểu là sự kết hợp giữa nam và nữ, để duy trì nòi giống còn gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau[22]. Từ đó, khái niệm gia đình cũng được hiểu là của một cặp đôi dị tính[23]. Tuy nhiên, gia đình hiện nay lại là loại hình gia đình đang ở trong thời kỳ quá độ từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hiện đại với nền kinh tế thị trường quốc gia và quốc tế[24]. Gia đình mang ý nghĩa một đơn vị tiêu dùng hơn là đơn vị sản xuất. Gia đình không còn là đơn vị tự thỏa mãn các nhu cầu, mà đã được sự trợ giúp của rất nhiều thiết chế xã hội khác (nhà trẻ, trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão). Ngay ở những gia đình dị tính, sinh sản không còn là mục đích tối cao của hôn nhân. Gia đình vẫn hạnh phúc dù không có con, hoặc xin con nuôi. Nếu vô sinh mà muốn có con họ vẫn có thể sử dụng sự trợ giúp của y tế hiện đại. Từ một đơn vị đa chức năng trong xã hội truyền thống, ở gia đình hiện nay, các chức năng đã được tải bớt ra ngoài gia đình. Chỉ có một chức năng mà khó một thiết chế xã hội nào có thể gánh vác được, đó là chức năng thỏa mãn tình cảm đôi lứa. Chức năng này vốn bị coi nhẹ trong gia đình truyền thống, nay đã được đẩy lên hàng đầu. Như vậy, sự thay đổi hệ giá trị chức năng của gia đình đã và đang diễn ra ngay ở bản thân các gia đình dị tính. Nguyên nhân cơ bản của sự thay đổi giá trị gia đình lại nằm ở những biến động của đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa, và không liên quan gì đến liên kết hôn nhân dị tính hay đồng tính. Nếu sự phá vỡ những tiêu chí giá trị truyền thống có thể xảy ra ở cả các gia đình dị tính, thì việc dự báo rằng hôn nhân đồng tính làm xói mòn giá trị truyền thống gia đình, phải chăng là sự kết án khiên cưỡng?
Trong xã hội hiện đại, do áp lực của cuộc sống, mục tiêu được con người kỳ vọng nhất trước ngưỡng cửa hôn nhân là gia đình trở thành một “mái ấm”, là nơi an toàn, yên ổn, là nơi con người được thỏa mãn nhất những nhu cầu tâm lý tình cảm. “Quyền được mưu cầu hạnh phúc” là một trong những quyền quan trọng nhất của con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra trong Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Mỗi con người, dù với những bản dạng tình dục khác nhau, đều có quyền kiếm tìm hạnh phúc. Nếu thừa nhận nhu cầu tình dục đồng giới không phải là bệnh (như Tổ chức Y tế thế giới đã nhấn mạnh từ năm 1990), mà là một xu hướng có tính tự nhiên, không thể khuyến khích hay ngăn cản, thì việc hợp pháp hóa nhu cầu cam kết tự nguyện của NĐT là việc nên làm. Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, đến giai đoạn hiện nay, chúng ta đã và nên chấp nhận sự đa dạng của các kiểu loại gia đình thay cho hình ảnh nhất thể hóa về kiểu loại, về cấu trúc như gia đình truyền thống.
Thời gian qua, LHQ cũng đã ghi nhận quan niệm về một phạm vi rộng rãi trong việc xác thực những tiến triển (thay vì cố định) của định nghĩa về gia đình. Ủy ban Nhân quyền LHQ đã lưu ý rằng "khái niệm gia đình có thể khác biệt trong vài khía cạnh, giữa các quốc gia, và ngay cả giữa các tôn giáo, và vì thế không thể đưa ra một định nghĩa chuẩn mực chung"[25]. Uỷ ban Quyền trẻ em LHQ đã tuyên bố điều này trong "Nhận định về môi trường gia đình", rằng cần phản ánh "những cấu trúc gia đình khác nhau, phát sinh từ các mẫu hình văn hóa và các quan hệ tình cảm gia đình đa dạng đang nổi lên"[26]. Một trong các quan hệ tình cảm gia đình đa dạng ở đây có thể được hiểu là sự đa dạng về xu hướng tính dục, là một cơ sở quan trọng cho một gia đình của các cặp đôi đồng tính. Việc thừa nhận HNCG cũng không thể làm suy thoái nòi giống như ý kiến của nhiều người bởi thực ra người đồng tính chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng dân số của xã hội. Hơn nữa, người đồng tính hoàn toàn có thể nhờ mang thai hộ hoặc xin con nuôi. Đây cũng là điều mà các nhà làm luật Việt Nam cần cân nhắc xem xét để bổ sung cho khái niệm về gia đình nhằm tạo sự công bằng cũng như thay đổi nhận thức về gia đình tại Việt Nam thời gian tới.
Một số ý kiến phản biện nêu rằng tại sao không cấm những người vô sinh, người già không còn khả năng sinh sản kết hôn với nhau mà lại cấm NĐT kết hôn với nhau?[27] Chúng tôi cho rằng đây là những lập luận khá khiên cưỡng. Thực chất NĐT không thể có con chung nhưng có thể xin con nuôi, người già thì có thể trước đó họ đã có con nhưng vẫn đến với nhau dù hiện tại không thể sinh sản, người vô sinh có thể xin con nuôi. Vấn đề quan trọng là phải hướng đến quyền con người, nhu cầu kết hôn nội tại của NĐT, thay đổi quan điểm cũ, không nên sử dụng các nguyên nhân như trên để lập luận vì thực sự chúng thiếu tính bền vững và hợp lý.
Bên cạnh đó, hiện nay Luật HNVGĐ năm 2000 quy định trong gia đình, người con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Có ý kiến cho rằng nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình đồng tính liệu sẽ bị ảnh hưởng bởi người nuôi nấng chúng, cũng sẽ bị đồng tính hay không[28]? Thực ra, đồng tính là một xu hướng tính dục, không phải là giới tính thứ ba và không phải là bệnh có thể lây lan hay truyền nhiễm. Vì vậy, đồng tính là điều tự nhiên của một người, không thể vì nghe lời người lớn mà trở thành đồng tính được.
Cuối cùng, bản chất của cái gọi là “truyền thống” mang tính bối cảnh, mang tính chính trị và vì vậy luôn biến đổi không ngừng. Chúng ta có thể tạo truyền thống mới và điều này diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi[29].
3.2. Quyền kết hôn đầy đủ và hình thức kết hợp dân sự
Hiện nay trên thế giới có các hình thức thừa nhận việc chung sống hợp pháp của NĐT như: cho phép kết hôn giống những cặp dị tính, công nhận dưới hình thức kết hợp dân sự (civil union) như kết hợp dân sự, đối tác chung nhà (domestic partnership), hình thức hợp danh (partnership)… Đối với hình thức kết hợp dân sự, về mặt pháp lý, họ được xem giống như một cặp vợ chồng nhưng thực tế lại bị hạn chế hơn những cặp vợ chồng dị tính khác ở sự thụ hưởng các chính sách về miễn giảm thuế chung cho vợ chồng, các chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm, trợ cấp, quyền nhận nuôi con nuôi, thừa kế… Mặt khác, giá trị pháp lý của giấy chứng nhận kết hợp dân sự nêu trên rất hạn chế, không đương nhiên có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc hoặc toàn thế giới. Đa phần các kiểu kết hợp dân sự trên chỉ có giá trị trong phạm vi bang, khu vực cho phép đăng ký kết hôn đồng tính, điều này đã gây không ít trở ngại cho các cặp đôi trên khi di chuyển hoặc thay đổi chỗ ở[30]. Một số ý kiến cho rằng hành vi công nhận QKH của NĐT dưới các hình thức kết hợp dân sự như trên được coi như là “ban phát” quyền cho NĐT[31]. Điều dễ dàng nhận thấy ở đây là NĐT không tự nguyện từ bỏ quyền được kết hôn của mình và nhà nước khi tự ý không thừa nhận quyền tự do kết hôn đó đã không có khoản đền bù ngang giá nào cho những NĐT. Như vậy, mặc dù hình thức kết hợp dân sự có thể giải quyết được một phần nhu cầu của NĐT nhưng vẫn chưa tạo được sự công bằng trong quan hệ dân sự của NĐT và dị tính. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng tính là vấn đề rất nhạy cảm, khó được chấp nhận trong một thời gian ngắn thì hình thức kết hợp dân sự là một giải pháp mang tính ôn hòa và cũng là cơ sở để sau đó xem xét QKH đầy đủ của NĐT.
3.3. Giá trị xã hội của pháp luật và quyền kết hôn cùng giới
QKH được xem là một quyền thiêng liêng trong đời sống của mỗi cá nhân. Gắn với quyền này, một gia đình sẽ được hình thành, gắn kết với nhau bằng tình cảm, san sẻ giữa những thành viên trong gia đình. Do vậy, bảo vệ quyền của NĐT sẽ đảm bảo được giá trị xã hội của pháp luật, hướng đến tính công bằng - mục tiêu cao cả của pháp luật.
Một số quan điểm cũng lo ngại HNCG sẽ ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Tuy nhiên, quan ngại này thực sự không hoàn toàn đúng đắn, ngược lại, HNCG tốt cho gia đình và xã hội[32]. Thực tế ở các nước thừa nhận quan hệ đồng giới như Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy... đã chứng minh điều này. Hôn nhân đồng giới không ảnh hưởng đến quan niệm xã hội về tầm quan trọng của hôn nhân truyền thống. Hôn nhân đồng giới có tính bình đẳng tương đối cao vì hai người ít có sự phân công lao động hay trách nhiệm theo giới. Nghiên cứu tiến hành trong ba năm ở Vermont, Mỹ về chất lượng cuộc sống lứa đôi của các cặp đồng tính sống chung có đăng ký và các cặp kết hôn truyền thống cho thấy, các cặp đồng tính sống chung có đăng ký có mối quan hệ hài hòa hơn, gần gũi nhau và ít xảy ra xung đột hơn so với các cặp kết hôn giữa nam và nữ. Quan sát ở các nước Bắc Âu cho thấy, sau khi thông qua luật cho phép những người đồng giới đăng ký chung sống, sự gắn bó của các cá nhân có tính lâu dài bởi đăng ký sống chung đồng nghĩa với cam kết hành vi chung thủy và do đó giảm lây truyền các bệnh qua đường tình dục. Sau 5 năm kể từ khi Luật Kết hôn đồng giới được thông qua tại Canada, nghiên cứu trên một nhóm quần thể đăng ký kết hôn đầu tiên cũng chỉ ra, các cặp đôi này có chỉ số thỏa mãn với cuộc sống chung tăng lên, lòng tự tin tăng lên và sự kỳ thị giảm đáng kể. Điều quan trọng là sự thay đổi này không chỉ diễn ra ở các cặp đăng ký sống chung mà còn cho cả cộng đồng những người đồng giới nói chung. Như vậy, các quy định luật pháp cho kết hôn đồng giới có ảnh hưởng rất tích cực đến sức khỏe cộng đồng và chi phí hiệu quả đối với các vấn đề liên quan phúc lợi xã hội.
Cũng có ý kiến đề xuất không nên cho phép các cặp đôi cùng giới sinh và nuôi con vì có thể đứa trẻ sẽ không phát triển bình thường. Điều này là không đúng vì trước khi thừa nhận hôn nhân đồng giới, nhiều nước đã tiến hành các nghiên cứu so sánh kết quả phát triển của trẻ em trong các gia đình hôn nhân truyền thống và các kiểu hình gia đình khác. Hội Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics - 2002), Hội Y học sinh sản Hoa Kỳ (The American Society for Reproductive Medicine - 2006) đã kết luận không có bằng chứng nào chỉ ra bất kỳ nguy cơ cho sự phát triển của trẻ khi trẻ được nuôi dưỡng trong các gia đình có hai ông bố hoặc hai bà mẹ. Một số nghiên cứu còn chỉ ra những đứa con do đồng tính nữ sinh ra (nhờ xin tinh trùng), được nuôi dưỡng trong gia đình đồng tính nữ thậm chí còn có một số khả năng vượt trội hơn trẻ em trong các gia đình hôn nhân truyền thống. Trong khi nghiên cứu về khả năng nuôi dạy con của các cặp đồng tính nam cho thấy sự vượt trội hơn các ông bố dị tính khi họ có cả các khả năng chăm sóc trẻ giống như người mẹ.
Như vậy về bản chất, việc được chăm sóc, giáo dục bởi một cặp đôi đồng tính không ảnh hưởng xấu đến quan niệm về thể chế gia đình truyền thống và sự phát triển của trẻ. Ngược lại, việc hợp pháp hóa HNCG ở các nước còn mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, bình đẳng giới và hòa hợp xã hội.
3.4. Quan điểm ủng hộ của xã hội Việt Nam về quan hệ cùng giới chưa thực sự nhất quán
Hiện nay, quan điểm về kết hôn cùng giới tại Việt Nam khá đa dạng với nhiều mức độ khác nhau. Thời gian qua các khảo sát xã hội học về quan điểm liên quan đến QKH của NĐT đã được thực hiện khá nhiều với nhiều hình thức khác nhau.
 Hình thức khảo sát qua mạng về HNCG gần đây cho kết quả ủng hộ khá cao. Khảo sát do Báo Vnexpress vào tháng 6 năm 2012 trong số 3.417 người được hỏi, có 2.756 người chiếm 80.7% cho rằng nên ủng hộ QKH của NĐT, 328 người chiếm 9,6% phản đối kịch liệt, 280 người chiếm 8.2% không quan tâm và chỉ có 53 người chiếm 1.6% có ý kiến khác. Đến tháng 7 năm 2012, khi tiếp tục khảo sát ý kiến về vấn đề này, Vnexpress thu được kết quả: 13.702/22.430 người chiếm 61.1% cho rằng nên công nhận hôn nhân đồng tính, còn lại 8.728/22.430 người chiếm 38.9% cho rằng không nên công nhận.
Tương tự như vậy, một khảo sát khác của Báo Người lao động điện tử trong tháng 7/2012 cũng thu được kết quả cho thấy có 3.921 người chiếm 86% đồng ý nên cho phép hôn nhân đồng tính, 305 người chiếm 6.69% cho rằng không nên vì trái văn hóa, truyền thống người Việt, còn lại 335 người chiếm 7.31% cho rằng cần thận trọng vì trình độ nhận thức của người dân về đồng tính còn hạn chế. Theo khảo sát gần đây của trang Dự thảo Online của Quốc hội[33] đến ngày 21/6/2013 thì có đến 17.383 người chiếm 90.4% người hoàn toàn đồng ý việc quy định công dân có QKH với NCGT, có 533 người chiếm 2.8% không đồng ý vì việc quy định như vậy chưa phù hợp với điều kiện ở Việt Nam hiện nay, có 1.304 người chiếm 6.8% đồng ý nhưng cần có những điều kiện đặc biệt kèm theo.
Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu thực định (khảo sát trực tiếp) thì lại cho thấy nhìn chung, quan niệm của xã hội về đồng tính cũng như HNCG vẫn chưa được thay đổi một cách đáng kể[34]. Ví dụ như theo một nghiên cứu gần đây, có 77% người dân Việt Nam (ở 04 tỉnh/thành phố) được hỏi đồng ý phải bảo vệ quyền của NĐT nhưng trong số đó chỉ có 36.6% đồng ý cho NĐT có QKH[35]. Việt Nam chưa thực sự có cuộc điều tra quy mô toàn quốc để tìm hiểu quan điểm của người dân về vấn đề này.
Đây cũng là một điểm đáng quan tâm bởi những kết quả khảo sát dưới những hình thức khác nhau hiện nay chưa thực sự nhất quán. Điều này cũng dễ hiểu bởi hình thức khảo sát qua các trang mạng không hoàn toàn thực chất (vì một người có thể bình chọn nhiều lần, trong đó có nhiều NĐT có thể bình chọn liên tục...). Trong khi đó, khảo sát qua phiếu hỏi trực tiếp người dân sẽ cho kết quả chính xác hơn. Bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến cho rằng nên công nhận hình thức sống chung có đăng ký trước để qua đó có thể xem xét, nghiên cứu, đánh giá thêm việc tiến đến công nhận hôn nhân bình đẳng. Đây cũng chính là phương thức mà một số quốc gia công nhận hôn nhân bình đẳng đã từng áp dụng trước đây. Hơn nữa, quan điểm e ngại về sự gắn kết của cặp đôi đồng tính, mối quan hệ đồng giới vẫn chưa thực sự được hiểu, cảm nhận một cách phổ biến tại Việt Nam dường như cũng làm ảnh hưởng đến việc luật hóa QKH bình đẳng của NĐT. Điều này cũng được thể hiện qua kết quả khảo sát của Báo Người lao động điện tử ở trên khi có 335 người cho rằng cần thận trọng vì trình độ nhận thức của người dân về đồng tính còn hạn chế. Ngay cả khảo sát của Vnexpress cũng có sự sụt giảm tỉ lệ ủng hộ từ 80.7% (tháng 6/2012) xuống còn 61.1.% (tháng 7/2012).
4. Một số kết luận và khuyến nghị
Qua nghiên cứu có thể nhận thấy quan hệ cùng giới và HNCG là những vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm ở Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy, hệ các quan điểm truyền thống cũ đã và đang chi phối rất lớn đến việc thừa nhận quan hệ đồng giới hay HNCG. Các nghiên cứu cũng cho thấy, phần lớn người dân Việt Nam hiện nay chưa ủng hộ HNCG.
Để tạo cơ sở cho việc ghi nhận quan hệ cùng giới, thời gian tới nên tiếp tục có những hình thức phổ biến, định hướng nhận thức đúng đắn hơn về cộng đồng LGBT nói chung, cộng đồng đồng tính nói riêng tại Việt Nam. Việc ban hành các quy định mới trong luật pháp ở Việt Nam để hợp pháp hóa quan hệ đồng giới là cần thiết và cần được tiến hành song song với các hoạt động đánh giá tác động, nâng cao nhận thức để xã hội hiểu và đón nhận. Bên cạnh đó, cần tổ chức nghiên cứu sâu hơn về thực trạng quan điểm của tầng lớp xã hội về đồng tính, HNCG, đánh giá trên những cơ sở đầy đủ và rõ ràng hơn để có những kiến nghị xác đáng hơn.
Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật HNVGĐ năm 2000, chúng tôi cho rằng hình thức kết hợp dân sự vẫn là việc nên làm, nên thừa nhận, là một bước đệm của HNCG. Đây cũng là đề xuất thông qua một số kết quả nghiên cứu, khảo sát tại Việt Nam thời gian gần đây[36]. Thực tiễn một số nước trên thế giới đã đi theo cách này để có cơ sở xem xét, đề xuất công nhận hôn nhân bình đẳng. Thật khó để bất cứ một xã hội nào, nhất là một quốc gia còn nặng truyền thống như Việt Nam ngay lập tức công nhận HNCG, thay đổi quan điểm về khái niệm gia đình, thay đổi chuẩn mực xã hội... trong một thời gian ngắn. Cũng bởi vì kết hợp dân sự có những hạn chế như đã nêu, cho nên việc thừa nhận HNCG sau đó là điều cần thiết để đảm bảo giá trị xã hội của pháp luật. Vì vậy, Dự thảo Luật nên sửa lại theo hướng có một điều riêng quy định về quyền kết hợp dân sự của cặp đôi đồng tính với những điều kiện nhất định (độ tuổi, có đầy đủ năng lực dân sự...). Cặp đôi đồng tính kết hợp dân sự sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định, ví dụ như không được nhận con nuôi chung. Việc cho phép sống chung có đăng ký sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước xem xét, đánh giá quan hệ đồng giới một cách chính xác, có cơ sở hơn so với việc chỉ đưa ra quy định giải quyết hậu quả do việc sống chung không có đăng ký. Với tình hình hiện tại, nhất thiết phải có quy định điều chỉnh mối quan hệ sống chung có đăng ký của NĐT. Nếu không tạo cơ hội cho NĐT chứng minh sự bền vững trong việc sống chung thì xã hội khó đạt được tính căn bản bền vững, giá trị xã hội của pháp luật cũng khó được đảm bảo và phát huy. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Hộ tịch (đang được Bộ Tư pháp soạn thảo) nên đồng thời bổ sung quy định về đăng ký sống chung có đăng ký cho cặp đôi đồng tính. Việc đăng ký này sẽ được ghi vào một sổ riêng với mẫu Đăng ký khác so với mẫu của cặp đôi nam nữ (thay thuật ngữ vợ/chồng bằng thuật ngữ: bên thứ nhất, bên thứ hai...).
Các câu chuyện về NĐT cũng xuất hiện khá nhiều trên báo chí, phim ảnh và truyền hình. Tưởng như đồng tính đã không còn là “chuyện xa lạ” như nhiều năm về trước, khi đất nước mới mở cửa, nhưng thực tế, những NĐT thật sự vẫn còn nỗi niềm suy tư khi xã hội Việt Nam hiện nay vẫn không cho họ cái quyền gọi là bình đẳng. Lẽ ra mọi người nên cảm thông và san sẻ với họ nhiều hơn thay vì ném cho họ những cái nhìn kỳ thị, vì họ là những con người bất hạnh, họ yêu mà không bao giờ được đáp lại, hy sinh mà không bao giờ được bù đắp, cũng như khao khát mà không bao giờ được thỏa mãn. Đồng tính không phải là một tệ nạn như ma túy, thuốc lắc, … không nên đồng hóa họ như những tệ nạn bởi đồng tính là bẩm sinh, họ không có quyền lựa chọn xu hướng tính dục cho bản thân. Đã đến lúc, xã hội có cái nhìn thoáng hơn cho những thành viên mang xu hướng tính dục khác, và cho họ được quyền sống bình thường như bao nhiêu cá thể khác của cộng đồng loài người. Thực chất, khi chúng ta tìm hiểu, đánh giá về quyền của NĐT sẽ không hề có ý nghĩa muốn cổ vũ cho một trào lưu mới mà nên được hiểu đây chính là thay tiếng nói cho những NĐT

 


[1] Bao gồm: Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên bang Canada, Cộng hòa Nam Phi, Vương quốc Na Uy, Vương quốc Thụy Điển, Cộng hòa Bồ Đào Nha, Cộng hòa Iceland, Cộng hòa Argentina, Vương quốc Đan Mạch, Cộng hòa Uruguay, New Zealand, Cộng hòa Pháp, Anh và xứ Wales. Thống kê do tác giả tổng hợp từ: Christine Vestal, Stateline.org Staff Writer, June 4, 2009, Gay marriage legal in six states, http://www.stateline.org/live/details/story?contentId=347390 và một số thông tin cập nhật trong các năm gần đây tạihttp://ilga.org/ (Cổng thông tin của Hiệp hội Người đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính quốc tế).
[2] Xem: Trương Hồng Quang, “Pháp luật một số quốc gia trên thế giới về quyền của người đồng tính”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật), số tháng 7/2012, tr.32-41; Trương Hồng Quang, Thực tiễn ghi nhận quyền kết hôn bình đẳng của người đồng tính trên thế giới, http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=6007, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp, ngày 10/02/2014.
[3] Bao gồm: 17 quốc gia (Andorra, Áo, Brazil, Colombia, Séc, Ecuador, Phần Lan, Đức, Greenland, Hungary, Ireland, Isle of Man, Jersey, Liechtensein, Luxembourg, Slovenia, Thụy Sĩ) và 13 vùng lãnh thổ công nhận (một số vùng của Úc, Hoa Kỳ, Venezuela, Mehico).
[4] Một số vùng của Úc, Croatia, Israel.
[6] Phiếu thuận bỏ cho việc thông qua nghị quyết này bao gồm các quốc gia: Argentina, Belgium, Brazil, Chile, Cuba, Ecuador, France, Guatemala, Hungary, Japan, Mauritius, Mehico, Norway, Poland, Republic of Korea, Slovakia, Spain, Switzerland, Ukraine, Thailand, UK, USA, Uruguay; Phiếu chống bỏ cho việc thông qua nghị quyết này bao gồm các quốc gia: Angola, Bahrain, Bangladesh, Cameroon, Djibouti, Gabon, Ghana, Jordan, Malaysia, Maldives, Mauritania, Nigeria, Pakistan, Qatar, Moldova, Russian Federation, Saudi Arabia, Senegal, Uganda; Phiếu trắng gồm: Burkina Faso, China, Zambia.
[7] Sau bài phát biểu, nhiều quốc gia Hồi giáo và châu Phi đã giận dữ rời khỏi phòng họp để phản đối. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác đã nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của ông Ban Ki-moon.
[8] Người song tính có cả hai xu hướng tính dục: có cảm xúc với cả nam giới lẫn nữ giới. Do đó, người song tính không mang hai giới tính như quan niệm của nhiều người.
[9] Người chuyển giới là người tự nhận mình có giới tính ngược lại với giới tính sinh học được sinh ra (ví dụ giới tính sinh học khi sinh ra là nam nhưng luôn cho rằng mình là nữ giới). Trong khi đó, người đồng tính vẫn cho rằng mình có giới tính giống với giới tính sinh học khi được sinh ra nhưng lại chỉ có cảm xúc với những người cùng giới tính với mình. Một điều quan trọng là không bắt buộc phải phẫu thuật chuyển đổi giới tính mới được xem là người chuyển giới.
[10] Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), “Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Việt Nam năm 2012”, nguồn: http://gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=217, ngày 24/12/2012.
[11] Xem thêm: Trương Hồng Quang, “Nhận thức về người đồng tính và quyền của người đồng tính”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật), số tháng 3/2012, tr.25-34, 44.
[12] TS. Nguyễn Thị Thu Nam, “Quan điểm xã hội về đồng tính và hôn nhân đồng giới”, Báo cáo được trình bày tại Hội thảo do Viện ISEE tổ chức ngày 13/12/2012.
[13] Bộ Tư pháp, “Báo cáo về quan điểm và định hướng lớn trong xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HNVGĐ”, 2012, tr. 9.
[14] Các đám cưới đồng tính như: Đồng tính nữ (tháng 12/2010, Hà Nội); đồng tính nam (6/2011, TP. Hồ Chí Minh); đồng tính nữ (2012, Cà Mau); đồng tính nam (tháng 5/2012, Kiên Giang); đồng tính nữ (tháng 7/2012, Bình Dương).
[15] Xem thêm: Trương Hồng Quang, “Nhu cầu kết hôn của người đồng tính là chính đáng”, Báo Vietnamnet, ngày 4/6/2012.
[16] Văn phòng Chính phủ, “Báo cáo số 9734/PL ngày 28/11/2012 về Kết quả khảo sát của đoàn công tác liên ngành về dự án Bộ luật Dân sự và dự án Luật HNVGĐ”, tr. 11-12.
[17] Xem: “Người đồng tính tin hôn nhân sẽ được thừa nhận”, nguồn: http://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-tinh/nguoi-dong-tinh-tin-hon-nhan-cung-gioi-se-duoc-thua-nhan-2864999.html, ngày 16/8/2013.
[19] Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, “Nghiên cứu quan hệ đồng tính nữ”, Hà Nội, 2012.
[20] Ý kiến nêu ra tại Hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức: “Nhận diện những bất cập trong Luật HNVGĐ năm 2000 từ góc nhìn thực tế”, Hà Nội, tháng 7/2012.
[21] James W. Vander Zanden: Sociology the Core, Mc. Graw Publishing Company, 1990, p. 225.
[22] Khoản 10, Điều 8, Luật HNVGĐ năm 2000.
[24] Xem: TS. Phạm Quỳnh Phương, Kết hôn đồng tính có đe dọa văn hóa truyền thống, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/76857/ket-hon-dong-tinh-co-de-doa-van-hoa-truyen-thong-.html, ngày 30/7/2012.
[25] Nhận định chung thứ 19: Bảo vệ gia đình, quyền hôn nhân và bình đẳng của các phối ngẫu, Uỷ ban Nhân quyền, Văn kiện LHQ, HRI/GEN/1/Rev.2 (1990), tại 2.
[26] Báo cáo về Kỳ họp thứ năm, Uỷ ban Quyền trẻ em, Văn kiện LHQ, CREC/C/24, Phụ lục V.
[27] Ý kiến tại một số diễn đàn gần đây: Hội thảo tập huấn: “Những vấn đề chính của nhóm LGBT nhìn từ góc độ của Công ước CEDAW và các Công ước quốc tế khác”, tháng 11/2012; Hội thảo: “Quan điểm xã hội về đồng tính và hôn nhân đồng giới”, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tổ chức ngày 13/12/2012, Hà Nội.
[28] Ý kiến nêu tại Hội thảo tập huấn: “Những vấn đề chính của nhóm LGBT nhìn từ góc độ của Công ước CEDAW và các Công ước quốc tế khác”, tháng 11/2012.
[29] Xem: Eric Hobsbawm (Birkbeck College), Terence Ranger (University of Oxford), The Invention of Tradition, Cambridge University Press, 1992.
[30] Xem thêm: Trương Hồng Quang, “Cơ sở lý luận về quyền của người đồng tính”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội), số 24, tháng 12/2012, tr.22-28, 36.
[31] Xem: Thomas Paine (1731 – 1809), Rights of Man, 1791.
[32] TS. Nguyễn Thu Nam, “Hôn nhân cùng giới tốt cho gia đình và xã hội”, nguồn: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/phap-luat/hon-nhan-dong-gioi-tot-cho-gia-dinh-va-xa-hoi/a78291.html, ngày 31/10/2012.
[34] Xem thêm: Trương Hồng Quang, “Nhận thức về người đồng tính và quyền của người đồng tính”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (Viện Nhà nước và Pháp luật), số tháng 3/2012, tr.25-34, 44.
[35] TS. Nguyễn Thị Thu Nam, “Quan điểm xã hội về đồng tính và hôn nhân đồng giới”, Báo cáo được trình bày tại Hội thảo do Viện iSEE tổ chức ngày 13/12/2012.
[36] Quan điểm của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE); Trương Hồng Quang, “Một số góc nhìn về quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính”, nguồn: dienngon.vn ngày 13/12/2012; Văn phòng Chính phủ, “Báo cáo số 9734/PL ngày 28/11/2012 về Kết quả khảo sát của đoàn công tác liên ngành về dự án Bộ luật Dân sự và Dự án Luật HNVGĐ”, tr. 18.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 4(260), tháng 2/2014)