ĐỊNH HƯỚNG CHỦ ĐỀ VIẾT BÀI ĐĂNG TẢI TRÊN TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP NĂM 2021

22/01/2021

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp trân trọng thông báo tới các cộng tác viên và bạn đọc Định hướng chủ đề viết bài đăng tải trên Tạp chí trong năm 2021.
 
 
1.      Chuyên mục Nhà nước và pháp luật
Năm 2021 là năm tổng kết Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và chuyển giao Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và là năm khởi đầu Kế hoạch 5 năm (2021 -2026) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021- 2030). Năm 2021 còn là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; có rất nhiều nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội nước ta. Vì vậy,trong năm 2021, bên cạnh các đề tài truyền thống, Tạp chí sẽ chú trọng đăng tải các bài viết về tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong đó, ưu tiên đặt các bài viết liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Tạp chí cũng quan tâm đăng tải các bài viết về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền hành pháp, quyền tư pháp.
Tạp chí tiếp tục đăng tải các bài viết: bình luận về Hiến pháp năm 2013 nhằm giới thiệu, tuyên truyền những giá trị tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 và chuẩn bị tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013; cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước; bàn về các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Các bài viết góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và phục vụ lợi ích của Nhân dân.
2.      Chuyên mục Bàn về dự án luật
Trong năm 2021, Tạp chí sẽ chú trọng đăng tải các bài nghiên cứu, góp ý liên quan đến nội dung các dự án luật quan trọng được dự kiến trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; …
3.      Chuyên mục Thực tiễn pháp luật
Cùng với việc đăng tải các bài viết liên quan đến việc triển khai thực hiện Hiến pháp, các luật, pháp lệnh trên thực tế, nêu và phân tích được những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện, đề xuất những giải pháp khắc phục, Tạp chí coi trọng các bài viết cung cấp thông tin về kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của Quốc hội, Chính quyền địa phương, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
4.      Chuyên mục Chính sách
Xuất phát từ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, Tạp chí tập trung đăng tải các bài viết về các vấn đề liên quan đến chính sách trong hoạt động lập pháp, yêu cầu hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chống tham nhũng, lãng phí và phòng, chống tội phạm; Chính sách gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng với công bằng xã hội và chống lạm phát, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW; coi trọng các bài viết đề xuất các giải pháp kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực kinh tế - dân sự, lao động, văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, xóa đói giảm nghèo, việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 gây ra.
5.      Chuyên mục Kinh nghiệm quốc tế
Năm 2021, Tạp chí tiếp tục tập trung đăng tải các bài viết về các vấn đề pháp luật quốc tế liên quan đến những kinh nghiệm xây dựng hiến pháp, lập pháp và tổ chức bộ máy nhà nước của các nước để tham khảo, vận dụng vào tình hình thực tiễn Việt Nam; các thiết chế về bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân trong quá trình hội nhập quốc tế; các cơ chế quốc tế về phòng, chống tội phạm; những vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia; các vấn đề về ASEAN và đặc biệt là các chủ đề thiết thực phục vụ các dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.
6.      Chuyên mục Chính quyền địa phương
Bên cạnh những chuyên mục truyền thống: Nhà nước và pháp luật, Bàn về dự án luật, Chính sách, Thực tiễn pháp luật, Kinh nghiệm quốc tế, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (14/12/2000 - 14/12/2020), Tạp chí mở Chuyên mục “Chính quyền địa phương”, đăng tải những bài viết phản ánh kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND các cấp. Trong chuyên mục này, Tạp chí tập trung vào các nội dung: Nhóm các vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ chức của chính quyền địa phương (cơ cấu tổ chức, điều kiện bảo đảm, mối quan hệ công tác, chế độ chính sách....); Nhóm các vấn đề về hoạt động của chính quyền địa phương được quy định trong các luật về tổ chức (trình tự thủ tục; chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể trong từng cấp chính quyền; việc phân cấp, phần quyền giữa các cấp chính quyền…); Nhóm các vấn đề liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương được quy định tại các luật chuyên ngành.
 
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP