CÙNG BẠN ĐỌC

25/11/2020

Kính gửi bạn đọc Tạp chí Nghiên cứu lập pháp,
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp luôn dành sự ưu tiên cho các bài viết phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội, không ngừng đổi mới, sáng tạo từ hình thức đến nội dung để ngày càng nâng cao vị thế, vai trò của Tạp chí trong việc xây dựng diễn đàn lý luận và thực tiễn về Nhà nước, Pháp luật và Chính sách.
Để góp phần phục vụ có hiệu quả hoạt động của Quốc hội và đại biểu dân cử, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (14/12/2000-14/12/2020), Tạp chí mở Chuyên mục mới “Chính quyền địa phương”, đăng tải những bài viết phản ánh kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), các cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND các cấp. Việc mở Chuyên mục “Chính quyền địa phương” là bước đổi mới của Tạp chí cho phù hợp với nhu cầu cung cấp thông tin và xu thế phát triển của Quốc hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Chuyên mục chính quyền địa phương trên Tạp chí NCLP sẽ tập trung vào các chủ đề chính sau đây:
Một là: Nhóm các vấn đề liên quan trực tiếp đến tổ chức của chính quyền địa phương (cơ cấu tổ chức, điều kiện bảo đảm, mối quan hệ công tác, chế độ chính sách....).
Hai là: Nhóm các vấn đề về hoạt động của chính quyền địa phương được quy định trong các luật về tổ chức (trình tự thủ tục; chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể trong từng cấp chính quyền; việc phân cấp, phần quyền giữa các cấp chính quyền…).
Ba là: Nhóm các vấn đề liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương được quy định tại các luật chuyên ngành.
Chuyên mục “Chính quyền địa phương” sẽ xuất hiện trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp từ tháng 10/2020. Rất mong nhận được sự hưởng ứng của quý vị độc giả, các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, chuyên gia, các nhà khoa học.
Xin trân trọng cảm ơn!
 
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP