Góp ý quy định về giám đốc trong Luật Doanh nghiệp năm 2014

12/06/2020

TS. ĐÀO THỊ THU HẰNG

GV. Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học quốc gia TP. HCM.

Tóm tắt: Giám đốc/Tổng giám đốc là một chức danh rất quan trọng trong công ty. Bài viết phân tích về những bất cập trong quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về chức danh Giám đốc/Tổng giám đốc, đồng thời đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định này.
 Từ khóa: Giám đốc, quyền của Giám đốc công ty.

Abstract: A director/ general director is a very important position in an enterprise. This article provides an analysis of the inadequate regulations on the position of director/ general director of the Enterprise Law 2014 and recommendations for further improve these provisions.

            Keywords: Director, rights of director in enterprise.

 GIÁM-ĐỐC-DOANH-NGHIỆP_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người quản lý doanh nghiệp[1]. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Chủ tịch công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình. Theo quy định này thì Giám đốc/Tổng giám đốc công ty phải mang đúng danh “Giám đốc/Tổng giám đốc” chỉ có “một”.
Luật Singapore cũng quy định mỗi công ty phải có ít nhất một Giám đốc[2]. Tuy nhiên cách tiếp cận chức danh Giám đốc công ty của Singapore khác Việt Nam. Luật Công ty của Singapore quy định Giám đốc của một công ty là bất kỳ người nào thực hiện chức danh giám đốc với bất kỳ tên gọi nào và là người mà những quyết định hoặc chỉ dẫn của người này được Ban giám đốc hoặc phần lớn các thành viên Ban giám đốc của công ty quen hành động theo và thay thế giám đốc (trừ những ý kiến, lời khuyên về chuyên môn), hoặc là người thay thế giám đốc công ty[3]. Theo cách tiếp cận này thì một người trong công ty của Singapore có thể không mang danh giám đốc công ty nhưng vẫn được xem là giám đốc trong công ty khi quyết định của người này được Ban giám đốc hoặc đa phần các thành viên Ban giám đốc thực hiện theo.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Luật Doanh nghiệp), trong cơ cấu tổ chức của các loại hình công ty ở Việt Nam thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là chức danh bắt buộc phải có. Cụ thể: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”[4]; “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây: a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên”[5]; “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”[6]; “Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác: a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”[7]; “Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác… Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nhiệm vụ sau đây: a) Quản lý và điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty với tư cách là thành viên hợp danh; đ) Đại diện cho công ty trong quan hệ với cơ quan nhà nước; đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác”[8].
Tuy nhiên, trên thực tế, có những công ty lập ra chức danh Tổng giám đốc quản lý, bên dưới còn có các Giám đốc chuyên môn. Ví dụ, Công ty cổ phần VINAMILK, ngoài Tổng giám đốc ra, công ty còn có bảy Giám đốc chuyên môn bao gồm: Giám đốc Điều hành kinh doanh quốc tế, Giám đốc Điều hành phát triển vùng nguyên liệu, Giám đốc Điều hành chuỗi cung ứng, Giám đốc Điều hành nhân sự - hành chính & đối ngoại, Giám đốc Điều hành nghiên cứu và phát triển, Giám đốc Điều hành tài chính kiêm kế toán trưởng, Giám đốc Điều hành Marketing kiêm điều hành khối kinh doanh nội địa, Giám đốc Điều hành sản xuất.
   Một câu hỏi mà giới doanh nhân và người tìm hiểu luật quan tâm hiện nay là Giám đốc/Tổng giám đốc có phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không?
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật[9]. Như vậy, yêu cầu đầu tiên của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là cá nhân, hẳn nhiên là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp. Luật Công ty của Singapore cũng quy định tương tự: “Giám đốc công ty phải là cá nhân đủ 18 tuổi và năng lực hành vi dân sự đầy đủ”[10]. Cá nhân này sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp. Giao dịch của doanh nghiệp được hiểu bao gồm cả giao dịch trong kinh doanh thương mại và trong lĩnh vực dân sự, lao động của doanh nghiệp như: hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hợp đồng lao động, hợp đồng thuê trụ sở, nhà xưởng, quan hệ về thuế với cơ quan nhà nước… Đồng thời, người đại diện theo pháp luật đại diện cho doanh nghiệp tại Trọng tài, Tòa án với tư cách là nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tất nhiên trường hợp luật sư, hoặc cá nhân khác tham dự phiên tòa, phiên trọng tài theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ không được tính là trong quy định này.
Nghiên cứu toàn bộ Luật Doanh nghiệp năm 2014 và những văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có điều khoản nào chỉ ra rằng Giám đốc/Tổng giám đốc phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc phải được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Do đó, theo quan điểm của tác giả thì có thể kết luận rằng Giám đốc/Tổng giám đốc có thể và/hoặc không bắt buộc phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Giám đốc/Tổng giám đốc trong thực tế thường được hiểu là người có quyền chỉ sau Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch trong việc vận hành công ty. Do đó, nhiều người trong xã hội cho rằng Giám đốc/Tổng giám đốc “to” như vậy nên sẽ là người chịu trách nhiệm giải quyết những quyền, nghĩa vụ phát sinh trong giao dịch của công ty với họ.
Về mặt luật pháp, Giám đốc/Tổng giám đốc công ty quả thật rất quan trọng, là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, nên có quyền và nghĩa vụ cơ bản như sau:
-     Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Chủ tịch công ty;
-     Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
-     Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
-     Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
-     Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
-     Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên/ Hội đồng quản trị/ Chủ tịch công ty;
-     Quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong công ty cổ phần;
-     Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
-     Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty;
-     Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
-     Tuyển dụng lao động;
-     Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo nghị quyết của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị hoặc quyết định của Chủ tịch công ty[11].
Như vậy, bất kỳ cá nhân nào khi được thuê hoặc bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc/Tổng giám đốc công ty cũng nghiễm nhiên có những quyền và nghĩa vụ kể trên. Ngoài ra, họ còn có những quyền và nghĩa vụ khác theo quy định trong Điều lệ công ty hoặc hợp đồng lao động. “quyền và nghĩa vụ khác” ở đây được hiểu là những quyền và nghĩa vụ chưa được liệt kê ở phần trên. Ví dụ như nếu trong hợp đồng lao động thuê cá nhân A làm Giám đốc nhưng lại quy định rằng cá nhân A này không có quyền điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, không được tuyển dụng lao động, không được ký kết hợp đồng là trái với quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Việc Giám đốc/Tổng giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật đặt ra một số vấn đề sau:
Một là, khi Giám đốc/Tổng giám đốc ký những hợp đồng nhằm điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty thì có phải xin phép người đại diện theo pháp luật của công ty không nếu công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch Hội đồng thành viên? Bởi lẽ, công ty là một pháp nhân phải thông qua cá nhân - là người đại diện theo pháp luật của nó để nhân danh công ty và vì lợi ích của công ty xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Giám đốc/Tổng giám đốc đương nhiên có quyền xác lập thực hiện hợp đồng nhân danh công ty trừ những hợp đồng thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch công ty. Tuy nhiên, số lượng những hợp đồng thuộc thẩm quyền ký kết của những chủ thể này trong thực tiễn tại các công ty thường là khá ít, chỉ bao gồm hợp đồng lao động ký với Giám đốc/Tổng giám đốc hoặc hợp đồng có liên quan đến người quản lý trong công ty, hợp đồng có giá trị thường lớn hơn 35% báo cáo tài chính gần nhất. Như vậy, giả sử, Giám đốc/Tổng giám đốc ký những hợp đồng gây thiệt hại hoặc vi phạm pháp luật dẫn đến công ty phải vướng vòng lao lý, hầu Tòa, thì trách nhiệm thuộc về công ty. Giám đốc/Tổng giám đốc không phải là người đương nhiên được tham gia phiên tòa hoặc không phải là đối tượng bị xử phạt hành chính. Người có thể đương nhiên nhân danh công ty tham gia tại Tòa chỉ có thể là người đại diện theo pháp luật của công ty. Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Nhưng trường hợp Giám đốc/Tổng giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật thì tuyệt nhiên không phải hầu Tòa trừ trường hợp được ủy quyền. Việc này dẫn đến một hiện tượng mà dân gian vẫn gọi là “người ăn ốc, người đổ vỏ”, mà trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật không phải là người xác lập, thực hiện hợp đồng nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong giải quyết. Tâm lý chung thì không ai muốn mình đi “hầu Tòa”, kể cả là với tư cách đại diện cho công ty.
Hai là, vấn đề trách nhiệm của Giám đốc/Tổng giám đốc. Việc Luật Doanh nghiệp quy định liệt kê những quyền và nghĩa vụ của Giám đốc mà không cho công ty khả năng chọn cho/bỏ những quyền và nghĩa vụ này có thể làm “khó” công ty: “Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo nghị quyết của Hội đồng thành viên”[12]. Cụ thể, nếu Giám đốc/Tổng giám đốc bị công ty chứng minh rằng có lỗi đã ký những hợp đồng gây thiệt hại cho công ty và người này chấp nhận, thì vấn đề đặt ra là người này sẽ bồi thường như thế nào? Mối quan hệ giữa Giám đốc/Tổng giám đốc với công ty là quan hệ lao động hay quan hệ dân sự? Giả sử là quan hệ lao động như quy định tại khoản 4 Điều 157 Luật Doanh nghiệp thì theo quy định của Bộ luật Lao động: “Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại… Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân”[13]. Giả sử mối quan hệ giữa Giám đốc/Tổng giám đốc với công ty là quan hệ dân sự, thì sau khi Tòa tuyên Giám đốc/Tổng giám đốc có lỗi phải bồi thường, thì đến cơ quan thi hành án phải xác minh khả năng thi hành án của người này. Nếu người này có khả năng thi hành thì cơ quan thi hành án mới thi hành được. Ngược lại thì việc thi hành bản án sẽ bị “treo” tại đó. Trong thực tế, nếu Giám đốc/Tổng giám đốc có khả năng bồi thường hàng chục tỉ đồng gây thiệt hại cho công ty thì họ đã không chọn đi làm Giám đốc thuê. Do vậy, việc “chốt” những quyền và nghĩa vụ của Giám đốc/Tổng giám đốc trong Luật Doanh nghiệp sẽ có thể “làm khó” cho phía công ty.
Ba là, việc “áp” nghĩa vụ tuyển dụng lao động trong doanh nghiệp cho Giám đốc/Tổng giám đốc có thể tạo mâu thuẫn với Bộ luật Lao động hiện hành. Cụ thể: “Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật”[14]. Như vậy, trong trường hợp Giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì phải là được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền. Ngược lại, nếu công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ có một người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch Hội đồng thành viên thì về nguyên tắc người này sẽ phải ký toàn bộ hợp đồng lao động trong công ty kể cả hợp đồng tuyển lao công hay bảo vệ. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì Chủ tịch hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch công ty không được tuyển dụng lao động, trừ hợp đồng lao động tuyển dụng Giám đốc/Tổng giám đốc.
Bốn là, Giám đốc/Tổng giám đốc có thể là chủ sở hữu trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân kiêm nhiệm. Giám đốc/Tổng giám đốc có thể là người được chủ sở hữu là cá nhân thuê, Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên thuê thông qua hợp đồng lao động. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp thì dù Giám đốc là được thuê hay là chủ, dù là lĩnh lương 5 triệu/tháng hay 100 triệu/tháng thì đều có những quyền và nghĩa vụ cơ bản như nhau. Do đó, quy định này chưa thực sự thỏa đáng.
Do vậy, với cách tiếp cận hiện nay của Luật Doanh nghiệp là liệt kê các quyền và nghĩa vụ cơ bản của Giám đốc/Tổng giám đốc như một chỉ dẫn cho những người mới gia nhập thị trường thì nên quy định thêm Giám đốc/Tổng giám đốc phải là người đại diện theo pháp luật.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp cũng chưa đề cập đến các kiểu Giám đốc khác nhau trên thực tế. Theo Luật Công ty của Anh thì có thể có Giám đốc núp bóng (shadow director), Giám đốc thực tế (de facto director), Giám đốc theo luật (de jure director), Giám đốc điều hành (executive director) và Giám đốc dự khuyết (alternate director)[15]. Giám đốc núp bóng được hiểu là người mà những quyết định, chỉ dẫn của người này có hiệu lực buộc Giám đốc theo luật của công ty phải làm theo. Giám đốc núp bóng phải chịu trách nhiệm như Giám đốc theo luật[16]. Trong thực tiễn của Việt Nam hiện nay, kiểu Giám đốc núp bóng khá nhiều trong các loại hình doanh nghiệp mà chủ thực sự là người nước ngoài nhưng thuê người Việt Nam đứng ra thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn và kiêm làm Giám đốc công ty này. Vì vậy, thực tế đã từng xảy ra trường hợp Giám đốc đứng tên trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bổ nhiệm chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp làm Tổng giám đốc công ty và trao quyền cho Tổng giám đốc công ty quyết định mọi vấn đề trong công ty, bởi chủ sở hữu chỉ thích làm Tổng giám đốc khi tham gia vào các giao dịch với đối tác bên ngoài. Vấn đề đặt ra là khi công ty xảy ra tranh chấp hoặc phải chịu trách nhiệm pháp lý thì Tổng giám đốc - chủ sở hữu công ty thật sự này chịu trách nhiệm gì thì Luật Doanh nghiệp Việt Nam chưa tiên lượng tới. Tuy nhiên, thực tiễn đang yêu cầu các nhà làm luật phải quan tâm giải quyết vấn đề này để tránh tình trạng Giám đốc thì cứ ký, doanh nghiệp thì cứ chịu trách nhiệm. Tình huống nan giải quá thì Giám đốc làm đơn xin nghỉ việc là xong. Hậu quả là đối tác, khách hàng của công ty chịu thiệt hại và có thể gây bất ổn xã hội./.
 

 


[1] Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[2] Điều 145.1 Luật Công ty Singapore năm 1967.
[3] Luật Công ty Singapore năm1967, phần Giải thích từ ngữ được sửa đổi theo Luật số 36 năm 2014 có hiệu lực ngày 01/7/2015.
[4] Điều 55 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[5] Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[6] Điều 85 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[7] Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[8] Điều 177 & 179 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[9] Điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[10] Điều 145.2 Luật Công ty Singapore 1967.
[11] Các Điều 64, 81, 157 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
 
[12] Các Điều 64, 81, 85, 157 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[13] Điều 102 Bộ luật Lao động năm 2019.
[14] Điều 18.3 Bộ luật Lao động năm 2019.
[15] ACCA Approved (2015), Paper F4 Corporate and Business Law, BPP Learning Media Ltd, tr.234-235.
[16] Mục 223 & 250.1 Luật Công ty Anh 2006. 

 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10(410), tháng 5/2020.)