Những vấn đề đặt ra về chế định thừa kế khi sửa đổi Bộ luật Dân sự

01/03/2014

PHẠM VĂN BẰNG

Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp

Qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, pháp luật thừa kế của nước ta đã có nhiều thay đổi theo tình hình thực tiễn đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định tiến bộ hơn so với các văn bản pháp luật trước đó (Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Bộ luật Dân sự - BLDS -  năm 1995), các quy định về thừa kế trong BLDS năm 2005 vẫn còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế và cần phải được sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn để hoàn thiện. 
Untitled_404.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Người thừa kế
Điều 635 BLDS năm 2005 quy định về người thừa kế (NTK), theo đó ghi nhận quyền thừa kế (QTK) của cá nhân, cơ quan, tổ chức như sau: “NTK là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp NTK theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”. Thực tiễn áp dụng Điều luật này cho thấy cần phải làm rõ những vấn đề sau:
Thứ nhất, hiểu như thế nào về “người còn sống vào thời điểm mở thừa kế” đặc biệt trong trường hợp những NTK chết mà không xác định được ai chết trước, ai chết sau. Nhiều trường hợp những người có QTK di sản của nhau chết cách nhau một khoảng thời gian rất ngắn, vụ án tranh chấp thừa kế một thời gian dài sau đó mới phát sinh, do vậy, việc xác minh thời điểm chết của từng người rất khó khăn.
Điều 641 BLDS năm 2005 quy định: “Trong trường hợp những người có QTK di sản của nhau đều chết trong cùng một thời điểm hoặc được coi là chết trong cùng một thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước, thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do NTK của người đó hưởng”. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của một số người khi không thể chứng minh được người nào chết trước, người nào chết sau. Pháp luật dân sự hiện này chưa có các quy định về nguyên tắc suy đoán pháp lý trong những trường hợp tương tự này[1]. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một nguyên tắc cần xem xét, nghiên cứu khi sửa đổi BLDS năm 2005.
Thứ hai, đối với trường hợpngười đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế nhưng sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế vẫn có QTK tài sản. Tuy nhiên, trường hợp nào được coi là sinh ra và còn sống? thời gian được quy định là sống sau thời điểm mở thừa kế được tính như thế nào nếu sau khi sinh ra chỉ sống được ½ giờ đồng hồ hoặc 1 giờ, 12 giờ, 24 giờ hoặc 1 ngày, 7 ngày... sau đó chết? Việc xác định khi nào một đứa trẻ đó được coi là NTK có ảnh hưởng rất lớn đối với kỷ phần thừa kế của những người khác. Trong khi Điều luật chưa quy định cụ thể, thì thực tiễn áp dụng đã có nhiều cách hiểu khác nhau.
Theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc đăng ký khai sinh và khai tử cho trẻ chết sơ sinh được quy định như sau: Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử. Nếu cha, mẹ không đi khai sinh và khai tử, thì cán bộ tư pháp hộ tịch tự xác định nội dung để ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử. Chúng ta có thể vận dụng quy định này, bổ sung vào Điều 635 về quy định thời gian được coi là sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế cụ thể là 24 giờ.
Thứ ba, về QTK của các tổ chức. Trong trường hợp NTK theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Quy định này thực tế cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau.
Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, nhưng pháp nhân đó không chấm dứt tuyệt đối mà quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển giao cho pháp nhân khác. Vậy pháp nhân được chuyển giao này có quyền được thừa kế không?
Trường hợp pháp nhân giải thể, phá sản, thì sau khi pháp nhân chấm dứt một thời gian sau mới phát sinh vụ việc tranh chấp thừa kế mà pháp nhân đó được chỉ định là NTK và tại thời điểm mở thừa kế pháp nhân chưa bị giải thể hoặc phá sản thì cơ quan nào sẽ thay mặt pháp nhân để nhận di sản? Di sản đó thuộc quyền quản lý của ai?
Trường hợp pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản có thể được thành lập lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy, trường hợp pháp nhân nếu tồn tại vào thời điểm mở thừa kế là NTK theo di chúc nhưng pháp nhân đó bị giải thể, bị tuyên bố phá sản trước thời điểm mở thừa kế, nhưng sau thời điểm mở thừa kế lại được thành lập lại thì pháp nhân đó có được QTK di sản không?
2. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Thứ nhất, việc xác định điều kiện chăm sóc như cha con, mẹ con
Theo quy định tại Điều 679 BLDS năm 2005 thì con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo pháp luật quy định tại Điều 676, Điều 677 BLDS năm 2005. Theo đó, để được hưởng QTK di sản giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế thì pháp luật quy định họ phải có quan hệ chăm sóc nhau như cha con, mẹ con. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định này để giải quyết các trường hợp chia thừa kế mà có quan hệ con riêng, bố dượng, mẹ kế thì do còn nhiều cách hiểu khác nhau nên dẫn đến cách áp dụng khác nhau về thế nào được hiểu là “chăm sóc như cha con, mẹ con”. Để áp dụng thống nhất và tránh những tranh chấp xảy ra trên thực tế, cần có sự hướng dẫn cụ thể về việc con riêng và bố dượng, mẹ kế có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con là như thế nào? Sự hướng dẫn cụ thể về một số tiêu chí xác định quan hệ “như cha con, mẹ con” (phạm vi chăm sóc, nuôi dưỡng; thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng; độ tuổi...) sẽ là cơ sở để các thẩm phán vận dụng, tránh việc xem xét mối quan hệ trên theo ý chí chủ quan và đôi khi không đáp ứng quyền lợi của các bên trong quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế.
Thứ hai, khi đã xác định được điều kiện chăm sóc như cha con, mẹ con thì người được thừa kế ở hàng nào?
Điều 679 BLDS năm 2005 quy định: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này”. Tuy nhiên, điều luật không quy định trong trường hợp đó thì con riêng, bố dượng, mẹ kế thuộc hàng thừa kế nào. Nếu đối chiếu lại quy định của Điều 676 BLDS năm 2005 về NTK theo pháp luật thì không thấy pháp luật dự liệu trường hợp con riêng, bố dượng, mẹ kế thuộc hàng thừa kế thứ mấy. Chúng tôi cho rằng, khi đã được xem như là cha con, mẹ con thì cũng phải thừa nhận họ được thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất của nhau, như đối với cha mẹ đẻ, con đẻ và cha mẹ nuôi, con nuôi[2].
Do đó, để đảm bảo áp dụng pháp luật được thống nhất, Điều 679 BLDS năm 2005 nên được sửa đổi, bổ sung theo hướng như sau: “Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau ởhàng thừa kế thứ nhất và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này”.
3. Việc từ chối nhận di sản
3.1. Quyền từ chối nhận di sản và thời hạn từ chối nhận di sản
NTK có quyền nhận hay không nhận di sản thừa kế (DSTK). Với ý nghĩa là một quyền dân sự của cá nhân, xuất phát từ cơ sở tự do về mặt ý chí cũng như quyền tự định đoạt của mình mà một người có thể nhận hay từ chối nhận di sản, không ai có thể ép buộc họ phải nhận hoặc không được nhận DSTK ngoài ý muốn của người đó.
Thực tiễn áp dụng giải quyết các vụ việc tranh chấp về thừa kế, đương sự từ chối nhận di sản sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế vì lý do khách quan nhưng vẫn bị coi là đồng ý nhận thừa kế. Hoặc trong trường hợp người được thừa kế vì những lý do khác nhau, không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản mà từ chối nhận di sản, mà việc từ chối này chỉ phát sinh khi một đồng thừa kế khởi kiện vụ án ra Tòa án chia thừa kế. Khi Tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ chứng minh cho việc từ chối nhận di sản thì phát hiện ra người từ chối không nhận di sản vi phạm các thủ tục trên, Tòa án không chấp nhận việc từ chối này và buộc họ phải nhận DSTK, nhưng họ nhất quyết không nhận?
Điều này sẽ mâu thuẫn với quyền tự định đoạt của đương sự, hơn nữa, hậu quả pháp lý đối với phần thừa kế của người đó được giải quyết như thế nào trong trường hợp đương sự nhất quyết từ chối nhận di sản? Có ý kiến cho rằng, việc quy định thời hạn từ chối nhận di sản như vậy là quá ngắn, nên quy định theo hướng không hạn chế về thời hạn từ chối nhận di sản và đảm bảo việc từ chối nhận di sản thể hiện đúng ý chí của người được nhận thừa kế. Hoặc có thể quy định thời hạn từ chối nhận DSTK là 3 năm kể từ ngày mở thừa kế cho phù hợp với thực tế phong tục tập quán của một số địa phương (thời gian đoạn tang là 3 năm).
Trong công tác xét xử tranh chấp thừa kế, các Tòa án cho biết, rất ít trường hợp NTK có văn bản từ chối nhận di sản trong 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế, vì phong tục tập quán trong lúc tang gia không thể đặt ra việc phân chia di sản, nhận hay không nhận tài sản. Đa số trường hợp NTK có văn bản từ chối nhận di sản hoặc trình bày miệng là không nhận kỷ phần của mình khi phát sinh vụ án tranh chấp di sản tại Tòa án và bao giờ Tòa án cũng chấp nhận việc từ chối nhận di sản này của các thừa kế. Trên thực tế, NTK vẫn có quyền không nhận di sản cho đến khi di sản được phân chia mà không ai có thể buộc họ phải nhận, kể cả Tòa án. Mặt khác, di sản còn có thể được chia theo thủ tục thỏa thuận hoặc thủ tục tư pháp và NTK vẫn có quyền từ chối nhận di sản. Như vậy, NTK có thể từ chối nhận di sản bất cứ lúc nào chứ không phải chỉ trong vòng 6 tháng. Như vậy, quy định về thời hạn từ chối nhận DSTK không có ý nghĩa thực tế.
Mục đích Điều luật quy định thời hạn từ chối nhận di sản là tạo điều kiện cho việc xác định đương sự trong việc giải quyết các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại. Tuy nhiên, nếu quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế, NTK vẫn có quyền từ chối nhận di sản nếu không thuộc trường hợp nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
3.2. Thủ tục từ chối nhận di sản
Quyền từ chối nhận di sản được quy định tại Điều 642 BLDS năm 2005, với những điều kiện về trình tự, cách thức để từ chối nhận di sản hợp pháp. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 642 quy định như sau: “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những NTK khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản”.
Như vậy, NTK phải thông báo việc từ chối nhận di sản cho những người sau: những NTK khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế. Quy định này còn thiếu người quản lý di sản[3]. Việc thông báo cho người quản lý di sản là rất cần thiết vì điều đó sẽ tạo thuận lợi cho họ trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, như định đoạt di sản khi được những NTK đồng ý[4], thông báo về di sản[5], đại diện cho những NTK trong các quan hệ liên quan đến DSTK[6] cũng như trong việc được hưởng thù lao (nếu có)[7].
Vì vậy, khoản 2 Điều 642 BLDS năm 2005 cần được bổ sung như sau: “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những NTK khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, người quản lý di sản, cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản”.
3.3. Hủy bỏ từ chối nhận di sản
 Một trong những điều kiện để từ chối nhận di sản hợp pháp là việc từ chối nhận di sản thực hiện trong 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Nếu sau 6 tháng, NTK không bày tỏ ý chí về việc từ chối nhận di sản thì sẽ được hiểu là NTK đồng ý nhận di sản (khoản 3 Điều 642 BLDS năm 2005).
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nếu một người đã từ chối nhận di sản rồi nhưng sau đó muốn hủy bỏ việc từ chối nhận di sản (thay đổi ý chí, không muốn từ chối nữa) thì có được hay không? Đây là vấn đề mà BLDS năm 2005 không hề quy định, do vậy nếu trường hợp này xảy ra trong thực tế thì sẽ dẫn đến việc giải quyết không được thống nhất giữa các Tòa án. Thực tiễn xét xử cho thấy, vấn đề “hủy bỏ từ chối nhận di sản” trong Điều 642 BLDS năm 2005, xuất hiện một số trường hợp sau:
- Trường hợp thứ nhất, việc từ chối nhận di sản hợp pháp đã có hiệu lực (đúng thủ tục, đúng thời hạn, và không nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản của mình với người khác) khi di sản đã phân chia và di sản chưa phân chia. Chúng tôi cho rằng, đối với trường hợp di sản đã phân chia thì không được hủy bỏ sự từ chối đó. Vì việc từ chối nhận di sản của một người đã có hiệu lực và khi di sản đã phân chia thì xem như người đó không có quyền gì đối với tài sản và cũng không cần thực hiện nghĩa vụ tài sản của người để lại di sản, những quyền và nghĩa vụ này được giao cho các thừa kế khác không từ chối nhận di sản; nếu ta cho phép họ được hủy bỏ từ chối sẽ phát sinh nhiều vấn đề và gây mất ổn định đối với quan hệ tài sản liên quan đến khối di sản.
- Trường hợp thứ hai, việc từ chối nhận di sản chưa có hiệu lực (chưa đáp ứng yêu cầu về hình thức, hay thủ tục thông báo, hay thời hạn 6 tháng vẫn còn) hoặc việc từ chối nhận di sản đã có hiệu lực nhưng di sản chưa phân chia thì vẫn cho phép NTK được hủy bỏ việc từ chối nhận di sản trước đó.
4. Di chúc
4.1. Khái niệm di chúc
Theo quy định tại Điều 663 BLDS năm 2005 thì “di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Theo đó, di chúc là phương tiện pháp lý để cá nhân định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình. Tuy nhiên, chế định về di chúc trong BLDS năm 2005 không chỉ dừng lại ở việc thừa nhận di chúc của cá nhân mà còn thừa nhận cả di chúc chung của vợ và chồng tại Điều 663 BLDS năm 2005. Đặc biệt khi Điều 664 quy định việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế di chúc chung phải có sự đồng ý của bên kia. Hay trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự lập di chúc phải được sự đồng ý của người đại diện. Điều này cho thấy khái niệm về di chúc tại Điều 663 chưa được thể hiện xuyên suốt trong quá trình cụ thể hóa chế định di chúc trong các quy định cụ thể.
4.2. Người lập di chúc
Điều 647 BLDS năm 2005[8] quy định độ tuổi lập di chúc là từ đủ 18 tuổi trở lên (người đã thành niên), nghĩa là những người có năng lực hành vi dân sự (NLHVDS) đầy đủ[9] đều có quyền lập di chúc. Luật không cho phép người bị bệnh tâm thần hay bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình lập di chúc, chứ không đề cập gì đến người bị hạn chế NLHVDS. Như vậy, người bị hạn chế NLHVDS[10] không bị cấm lập di chúc. Tuy nhiên, nếu xét các quy định khác trong BLDS năm 2005 về người bị hạn chế NLHVDS thì những người này sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc lập di chúc. Vì Điều 23 BLDS năm 2005 quy định: “Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế NLHVDS phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”. Di chúc không phải là “giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”, nên việc lập di chúc của người bị hạn chế NLHVDS phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.  
Do vậy, để bảo đảm quyền tự do di chúc của cá nhân được tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, liên quan đến việc lập di chúc của người bị hạn chế NLHVDS, BLDS năm 2005 nên bổ sung quy định cụ thể hơn điều kiện và thủ tục để người bị hạn chế NLHVDS có thể thực quyền định đoạt tài sản của mình.
4.3. Hình thức của di chúc
Hình thức của di chúc được quy định tại Điều 649, Điều 650 BLDS năm 2005. Thực tiễn áp dụng các quy định về di chúc trong thời gian qua có rất nhiều trường hợp Tòa án tuyên bố di chúc vô hiệu do không tuân thủ các quy định về hình thức.
Việc Tòa án tuyên bố di chúc vô hiệu có rất nhiều dạng khác nhau, điều đáng nói là ở các Tòa khác nhau thì việc áp dụng quy định pháp luật trong việc tuyên di chúc vô hiệu cũng khác nhau. Khoản 2 Điều 653 BLDS năm 2005 yêu cầu khi di chúc có nhiều trang thì phải đánh số thứ tự và phải điểm chỉ hoặc ký lên từng trang của người lập di chúc. Theo đó, có nơi thẩm phán sẽ tuyên bố vô hiệu nếu di chúc vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục, hình thức của di chúc. Tuy nhiên, có nơi Tòa án nếu xét nội dung các trang không có sự mâu thuẫn thì vẫn ghi nhận di chúc có hiệu lực.
4.3.1. Quy định về di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
Di chúc có thể bằng văn bản hay bằng miệng (Điều 649 BLDS năm 2005). Nếu là di chúc bằng văn bản thì có thể lập dưới các thể thức khác nhau, như: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Trong đó, di chúc bằng văn bản không có người làm chứng được quy định tại Điều 655 BLDS năm 2005 là: “Người lập di chúc phải tự tay viết và kývào bản di chúc”.
Theo quy định của BLDS năm 2005, để di chúc bằng văn bản không có người làm chứng hợp pháp thì phải đáp ứng điều kiện: một là, phải do chính người muốn lập di chúc lập; hai là, người đó phải dùng tay viết nội dung của di chúc; ba là, người đó phải tự ký vào bản di chúc.
Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này điều kiện thứ ba chưa hợp lý, bởi lý do sau:
 Thứ nhất, việc quy định điều kiện người lập di chúc phải tự tay ký vào bản di chúc sẽ không thống nhất với khoản 2 Điều 655 BLDS năm 2005 khi chấp nhận việc điểm chỉ của người lập di chúc về nội dung của di chúc.
 Thứ hai, đối với di chúc không có người làm chứng, khi đã quy định người lập di chúc phải tự lập (dành cho người biết chữ) và việc điểm chỉ không có nghĩa người đó không biết chữ hay không ký được, mà có thể một người viết được nhưng chưa có thói quen ký và đối với văn bản quan trọng, họ điểm chỉ.
 Thứ ba, trên thực tế công tác giám định, chứng minh cho thấy tính xác thực của điểm chỉ cao hơn cả chữ ký. Thực tiễn xét xử cũng cho thấy đa số các di chúc “giả tạo” là do giả mạo chữ ký.
 Thứ tư, nội dung di chúc bắt buộc phải được viết bằng tay - điều kiện thứ hai đã nêu trên - đã là căn cứ có thể xác định di chúc do chính người đó lập ra nên nếu người đó điểm chỉ thì lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám định (lúc cần thiết), là căn cứ vững chắc để xác định người lập di chúc. Do vậy, chúng tôi cho rằng BLDS năm 2005 nên sửa đổi, bổ sung Điều 655 như sau: “Người lập di chúc phải tự tay viết và ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc”.
4.3.2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Điều 656 BLDS năm 2005 quy định: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”. Qua thực tiễn xét xử, đa số các vụ án thừa kế theo di chúc thuộc trường hợp trên đều không tuân thủ được quy định pháp luật đặt ra. Thực tế, các nhân chứng đều khẳng định là người để lại di chúc đã cầm bản di chúc viết sẵn đến nhà của nhân chứng nhờ ký làm chứng hộ.  
Vì thế, BLDS năm 2005 không nên đưa điều kiện “người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”vì điều kiện này không phù hợp với thực tế với nước ta.
4.4. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Theo Điều 654 BLDS năm 2005 thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những đối tượng sau:
“1. NTK theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có NLHVDS”.
  Chúng tôi cho rằng, đối tượng mà luật nên loại trừ là người bị mất NLHVDS, vì nếu để người bị mất NLHVDS làm chứng việc lập di chúc thì việc làm chứng sẽ không thể đảm bảo được sự chính xác, khách quan, rất khó cho việc xác minh nội dung di chúc có thực sự đúng với ý nguyện của người lập di chúc. Thực tiễn cho thấy, người mất NLHVDS được xác định trên cơ sở được Tòa án ra quyết định tuyên bố mất NLHVDS. Nhiều người bị điên, thần kinh, mắc bệnh tâm thần... nhưng không được Tòa án tuyên mất NLHVDS thì cũng không được làm chứng.
Do vậy, khoản 3 Điều 654 BLDS năm 2005 nên sửa đổi lại như sau: “3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người bị mất NLHVDS”.
Thực tiễn xét xử trong việc xác định di chúc và các văn bản phân chia di sản khác cho thấy một số bất cập. Ví dụ, có trường hợp trong di chúc, cha mẹ con cái cùng ký tên, cùng xác định tài sản của từng người con được nhận khi cha mẹ cùng qua đời[11], nếu coi đây là di chúc và những người con ký vào văn bản là người làm chứng thì việc làm chứng không được coi là hợp lệ theo quy định tại Điều 654 BLDS năm 2005[12] và văn bản này bị vô hiệu. Bởi trong toàn bộ các quy định về thừa kế không có quy định nào về việc phân chia di sản của chủ sở hữu cho người khác khi chết. Nhưng cách xử lý như vậy không hợp lý vì văn bản này được lập một cách minh bạch, công bằng và hợp pháp. Cũng có quan điểm cho rằng, việc con cái cùng ký tên vào văn bản phân chia di sản của bố mẹ không nên xác định ở vai trò là người làm chứng, vì theo Điều 656, di chúc bằng văn bản có người làm chứng được lập trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, còn trong trường hợp cha mẹ tự viết văn bản để phân chia tài sản thì có thể coi văn bản tương phân là di chúc không có người làm chứng theo Điều 655 BLDS năm 2005, việc ký của các con là xác nhận việc làm của bố mẹ, chứ không thể coi là vì có chữ ký của các con mà di chúc là vô hiệu.
4.5. Di chúc miệng
Khoản 5 Điều 652 BLDS năm 2005 quy định, “Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Hệ quả của quy định này có thể hiểu là, nếu trong vòng 5 ngày kể từ ngày người để lại di chúc bằng miệng mà di chúc không được công chứng hoặc chứng thực thì di chúc sẽ không có hiệu lực. Tuy nhiên, Điều luật lại không quy định rõ, trong thời hạn 5 ngày đó, ai là người có trách nhiệm phải tiến hành việc công chứng, chứng thực, tráchnhiệm của người làm chứng được xác định như thế nào. Có thể xảy ra trường hợp, nếu vì một lý do nào đó, trong 5 ngày kể trên, người làm chứng không đi công chứng, chứng thực, dẫn tới việc di chúc bị vô hiệu, quyền lợi của những người được hưởng thừa kế bị ảnh hưởng, thì người làm chứng có phải chịu trách nhiệm gì không? Do đó, có quan điểm cho rằng, BLDS năm 2005 cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ nghĩa vụ của người làm chứng phải đưa di chúc miệng đi công chứng, chứng thực và trách nhiệm của người làm chứng khi vi phạm nghĩa vụ này làm cho di chúc trở nên vô hiệu. Tuy nhiên, nếu pháp luật quy định trách nhiệm của người làm chứng, thì nhiều người sẽ không muốn “mang chuyện vào mình” trong việc làm chứng. Đây là một vấn đề cần cân nhắc khi đưa vấn đề trách nhiệm của người làm chứng đối với trường hợp này.
4.6. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
Thực tiễn xét xử cho thấy, di chúc công chứng, chứng thực thường sẽ có hiệu lực cao hơn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp di chúc trước được lập có công chứng hoặc chứng thực nhưng khi người lập di chúc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc lập di chúc khác thì chỉ bằng văn bản không có công chứng, chứng thực. Điều này gây lúng túng, khó khăn cho quá trình giải quyết tranh chấp đặc biệt trong việc chứng minh di chúc bằng văn bản không có chứng thực, công chứng được lập đúng pháp luật. Chúng tôi đồng ý với nguyên tắc di chúc lập sau sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, để đảm bảo áp dụng thống nhất, pháp luật cần quy định trường hợp di chúc đầu tiên được lập bằng hình thức công chứng, chứng thực thì việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc cũng phải được thực hiện qua hình thức này.
4.7. Di chúc chung của vợ, chồng
Theo quy định Điều 663 BLDS năm 2005 vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho vợ, chồng cùng thể hiện được ý chí thống nhất trong việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng, quy định này đã góp phần thúc đẩy các quan hệ dân sự cũng như vấn đề tôn trọng và bảo vệ các quyền dân sự của chủ sở hữu tài sản.
Tuy nhiên, hiện nay có hai quan điểm trong việc quy định việc lập di chúc chung của vợ chồng.
Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng, cần bỏ quy định di chúc chung của vợ chồng. Việc lập di chúc chung của vợ chồng sẽ ảnh hưởng đến việc tự do định đoạt tài sản theo ý chí cá nhân của từng người.  
Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, vẫn tiếp tục duy trì quy định về di chúc chung của vợ chồng bởi những ý nghĩa tốt đẹp của di chúc chung của vợ chồng đã có trong thời gian qua, cũng như do chế định tài sản chung vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, không xác định, nên khó mà định đoạt tài sản của một người, vì vậy khi đã có di chúc chung thì việc phân chia thuận lợi hơn sau khi người cuối cùng chết. Điều này cũng phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam ta. Đối với vấn đề tự do định đoạt tài sản vẫn được đảm bảo khi xác lập hình thức di chúc chung.
Thực tiễn thực hiện chế định di chúc chung của vợ chồng có gặp một số vướng mắc, bất cập, cụ thể như:
Thứ nhất, quyền định đoạt tài sản của vợ/chồng trong di chúc chung
Theo khoản 1 Điều 664 thì “vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc đó bất cứ lúc nào”. Tuy nhiên, tại khoản 2 quy định: “khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Nếu một bên vợ hoặc chồng, vì lý do nào đó muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung đã lập, nhưng không được sự đồng ý của người kia, thì việc sửa đổi, bổ sung đó sẽ không được chấp nhận. Chúng tôi cho rằng, vợ/chồng có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc bất cứ lúc nào trong phần tài sản của mình. Trường hợp liên quan đến tài sản chung của vợ chồng thì phải được sự đồng ý của bên kia. Theo đó, khoản 1 Điều 664 có thể sửa đổi như sau:“Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia, trừ trường hợp vợ hoặc chồng sửa đổi, bổ sung di chúc chung liên quan đến phần tài sản của mình”.
Thứ hai, hiệu lực di chúc chung vợ/chồng
Điều 668 quy định: “Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết”. Thực tế, thì vợ, chồng thường không phải trường hợp nào cũng chết cùng thời điểm, mà thường là cách nhau nhiều năm.Do vậy, quy định này không phù hợp với thực tiễn khi những người có quyền hưởng di sản của người đã chết để lại có nhu cầu chia tài sản nhưng không thực hiện được, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của họ, trong một số trường hợp còn làm mất quyền hưởng di sản của người được thừa kế. Mặc dù pháp luật cho phép người còn lại được quyền sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình nhưng lại không cho phép chia tài sản của người đã chết. Bên cạnh đó, Điều 669 BLDS năm 2005 quy định vợ/chồng sẽ được hưởng kỷ phần bắt buộc mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Điều này vô hình chung đã không cho phép vợ/chồng đang sống hưởng phần DSTK của người kia (kỷ phần bắt buộc).Điều này cũng gây mâu thuẫn với Điều 633 về thời điểm mở thừa kế cũng như ảnh hưởng đến thời điểm khởi kiện yêu cầu chia thừa kế tại Điều 645 BLDS năm 2005.
Do đó, nhiều người cho rằng, để bảo đảm quyền của người lập di chúc chung của vợ, chồng đề nghị nên sửa đổi khoản 2 Điều 664 theo hướng cho phép một bên vợ hoặc chồng có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc trong phạm vi phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng (đã được định đoạt bởi di chúc chung) bất cứ lúc nào kể cả khi không có sự đồng ý của vợ hoặc chồng. Tuy nhiên việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc trong phạm vi phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng đó cần được thông báo cho bên vợ (hoặc chồng) biết. Nếu trường hợp một bên không chấp thuận thì coi như di chúc chung đã lập trước đó không còn hiệu lực, mỗi người có quyền định đoạt phần của mình theo quy định chung về thừa kế. Cũng theo đó, đề nghị sửa đổi Điều 688 về hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng theo hướng: trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết trước thì bên còn lại có quyền yêu cầu chia di sản của người đã chết. Đối với những người được hưởng DSTK khác chỉ được chia thừa kế khi được sự chấp thuận của người chồng hay người vợ còn sống.
Thứ ba, một số hạn chế trong việc lập di chúc chung
Một số quan điểm cho rằng, BLDS 2005 không quy định rõ những trường hợp bị cấm khi lập di chúc chung, nếu có trường hợp hai bên lập di chúc chung để thừa kế lẫn nhau, thì di chúc đó có hiệu lực hay không? Di chúc vốn là một loại giao dịch pháp lý đơn phương và không mang tính chất đền bù. Việc cho phép vợ, chồng khi lập di chúc chung để thừa kế lẫn nhau, đã biến loại giao dịch này thành giao dịch pháp lý song phương và mang tính chất có đền bù, làm thay đổi bản chất pháp lý của di chúc. Việc pháp luật hiện hành không cấm đoán vợ, chồng lập di chúc chung thừa kế lẫn nhau có thể gây nên nhiều vấn đề không thể lường trước được như: thông đồng giữa vợ, chồng lập di chúc giả tạo để che đậy những hành vi trái pháp luật hoặc làm gia tăng nguy cơ khiến các bên phản bội, lừa dối, giả mạo di chúc, hoặc thậm chí, tạo cơ hội cho các bên thực hiện âm mưu xấu nhằm trục lợi bất chính di sản của nhau. Ví dụ: chồng giết vợ để hưởng thừa kế…
5. Di sản dùng vào việc thờ cúng
Để đảm bảo và tôn trọng ý chí, quyền tự định đoạt của người để lại DSTK cũng như phù hợp với truyền thống, phong tục của nước ta, pháp luật hiện hành đã quy định về vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng tại Điều 670[13] BLDS năm 2005. Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành quy định này và giải quyết những tranh chấp về di sản dùng vào việc thờ cúng, thấy bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần khắc phục:
Thứ nhất, khi người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng và những NTK khó có thể cử ra một người quản lý di sản vì họ mâu thuẫn, tranh chấp nên không thống nhất được ý kiến, thì việc giải quyết vấn đề đó thế nào? Họ có được khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết xác định người quản lý di sản? Hoặc nếu các thừa kế đều thống nhất không dùng di sản vào việc thờ cúng nữa vì quá trình thực hiện nội dung di chúc đã dẫn đến những mâu thuẫn không thể khắc phục được (như người quản lý di sản tự chia di sản cho các con mình, tự bán, tự sửa chữa thay đổi hiện trạng di sản) làm ảnh hưởng việc thờ cúng chung thì họ có được yêu cầu chia theo pháp luật phần di sản dùng vào việc thờ cúng hay không. Hiện nay chưa có quy định về vấn đề này.
Thứ hai, người được chỉ định quản lý di sản từ chối không nhận quản lý di sản và các thừa kế khác cũng không thống nhất về cử người quản lý di sản hoặc họ thống nhất không cử người quản lý di sản thì di sản sẽ giải quyết như thế nào?
Thứ ba, sau một thời gian lập di sản thờ cúng, các thừa kế và người quản lý di sản thờ cúng đồng ý sữa chữa hoặc dỡ bỏ di sản thờ cúng - phong tục miền Nam gọi là “phá hương hỏa” - thì pháp luật có chấp nhận cho họ thay đổi hiện trạng di sản thờ cúng không? Hoặc trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng nhưng nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những NTK thì những NTK có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý. Vậy những NTK ở đây là những NTK theo pháp luật hay theo di chúc?
Thứ tư, hiểu thế nào là một phần di sản dùng vào việc thờ cúng? Qua khảo sát ở các địa phương khác nhau, thấy việc xác định phần di sản dùng vào việc thờ cúng cũng có sự khác nhau:
(i) Xác định “một phần tài sản trong khối di sản” là một phần tài sản trong một tài sản cụ thể, độc lập với tài sản khác. Theo cách này thì đối với một ngôi nhà cụ thể, người lập di chúc chỉ được dành một phần của ngôi nhà đó để thờ cúng chứ không được để lại toàn bộ ngôi nhà để thờ cúng. Do đó, có trường hợp, có người có 2 - 3 ngôi nhà (hoặc nhiều hơn) muốn lập di chúc để lại một ngôi nhà để thờ cúng, nhưng không được chấp nhận.
(ii) Cho rằng “một phần tài sản trong khối di sản” là một phần tài sản của toàn bộ khối di sản mà người lập di chúc để lại, chứ không thể hiểu là một phần tài sản đơn lẻ. Bởi DSTK bao gồm: nhà, đất, vật, tiền, giấy tờ có giá trị về các quyền sản khác. Như vậy di sản là ngôi nhà gắn liền với đất chỉ là một phần tài sản trong khối di sản.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, dù người lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản của mình vào việc thờ cúng thì di chúc đó vẫn có hiệu lực. Do đó, việc luật quy định “một phần” đã xâm phạm quyền tự định đoạt của người có tài sản.
 Cần thiết phải bổ sung thêm quy định đối với di sản dùng vào việc thờ cúng như sau: Nếu các thừa kế đều thống nhất không dùng di sản vào việc thờ cúng, hoặc người quản lý di sản vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý di sản thờ cúng (như không thực hiện việc thờ cúng, tự ý thay đổi tình trạng di sản,...) thì những NTK có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết phần DSTK dùng vào việc thờ cúng theo pháp luật.
 Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp di sản là nhà, đất rộng, có vị trí đẹp đã được người bảo quản di sản cho thuê để thu lợi, trong khi đó các thừa kế khác không bảo quản di sản thì không được lợi về khoản thu lợi từ việc cho thuê nhà, đất đó, hoặc người bảo quản di sản được ở lại nhà, đất đó mà không phải trả tiền thuê nhà. Đồng thời người bảo quản lại được hưởng thêm phần chi phí cho việc bảo quản di sản là không phù hợp. Do đó, đề nghị chỉ nên quy định người bảo quản di sản chỉ được nhận chi phí cho việc bảo quản di sản đối với di sản cần phải trông coi nhưng không sinh lợi. Thực tiễn xét xử cũng cho thấy, có trường hợp các đương sự tranh chấp với nhau về đồ vật dùng vào việc thờ cúng (lư hương, câu đối, tủ thờ…) nhưng luật chưa có quy định cụ thể các đồ vật này có phải là di sản dùng vào việc thờ cúng hay không, nên rất lúng túng trong giải quyết.
6. Các quy định về thời hiệu
6.1. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ
Thời hiệu yêu cầu NTK thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại quy định trong BLDS năm 2005 là 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Trên thực tế áp dụng quy định này còn bất cập vì chưa bảo vệ được quyền lợi của các chủ nợ. Ví dụ một vụ án thực tế xảy ra sau đây: Ngân hàng A cho Công ty B vay 01 tỉ đồng với thời hạn thanh toán trong vòng 04 năm từ tháng 01/2008 đến tháng 12/2011 và có bảo lãnh bằng việc thế chấp nhà của bà C. Tháng 8/2008 bà C chết, nhưng Công ty B vẫn thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho đến tháng 10/2011 thì ngưng và mất khả năng thanh toán, nên tháng 01/2012 Ngân hàng A khởi kiện Công ty B tại Tòa án đòi nợ và nếu không trả được nợ thì yêu cầu phát mãi căn nhà của bà C do chồng bà C là NTK tài sản. Tuy nhiên, theo chồng bà C thì bà C chết từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2011 là 03 năm kể từ khi bà C mất, nhưng đến tháng 01/2012, Ngân hàng mới khởi kiện là đã quá thời hiệu yêu cầu NTK là chồng bà C thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết là bà C để lại, nên chồng bà C không chấp nhận phát mãi nhà của bà C. Ý kiến của chồng bà C không phải là không có cơ sở pháp lý. Vậy nên cần sửa đổi thời hiệu khởi kiện yêu cầu NTK thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ thay vì quy định như hiện nay là kể từ thời điểm mở thừa kế.
6.2. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế
Theo quy định của BLDS hiện hành, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 645)[14]. Thực tiễn xét xử các tranh chấp về QTK nhưng hết thời hiệu khởi kiện, đã có trường hợp, khi một bên khởi kiện ra Tòa án trước đây thì Tòa án từ chối thụ lý do hết thời hiệu khởi kiện. Hiện nay, Tòa án thụ lý nhưng ra phán quyết đình chỉ giải quyết vụ án mà không “phán quyết” tài sản thừa kế đó thuộc về ai (người trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản là di sản của cha mẹ để lại, hàng thừa kế thứ nhất). Do đó, dẫn đến tình trạng di sản do người chết để lại không thuộc quyền sở hữu của ai mặc dù thực tế người trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đã sử dụng thời gian dài. Người đang quản lý, sử dụng tài sản muốn làm các thủ tục xác lập, giao dịch liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó cũng không được pháp luật cho phép. Trong khi đó các đương sự khác vẫn tiếp tục tranh chấp và khiếu kiện nhiều nơi nhưng không có cơ quan nào thụ lý, giải quyết dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, phần DSTK vẫn trong tình trạng không xác định được chủ sở hữu, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân và gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan đến phần tài sản này.
Có trường hợp trong gia đình, bố hoặc mẹ chết trước cách thời điểm yêu cầu chia thừa kế trên 10 năm và người còn sống quản lý tài sản, trước đây Tòa án (tại Long An) giải quyết những trường hợp này theo hướng xem di sản của người cha hoặc mẹ chết trước do cha hoặc mẹ còn sống quản lý, khi thời hiệu khởi kiện chia di sản của người chết trước đã chấm dứt thì phần di sản này trở thành tài sản thuộc sở hữu của người cha hoặc mẹ còn sống. Và khi cha hoặc mẹ chết sau, thì khối di sản (của cả cha và mẹ đã trở thành tài sản của người chết sau) đều được chia cho những NTK theo phần của họ được hưởng. Từ năm 2007, theo định hướng của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án địa phương lại giải quyết theo hướng khi đương sự khởi kiện chia DSTK thì một phần di sản đã hết thời hiệu khởi kiện, còn một phần di sản còn thời hiệu thì chỉ thụ lý và chia theo yêu cầu của các đương sự đối với phần di sản còn thời hiệu khởi kiện, còn phần di sản hết thời hiệu không giải quyết.
Như vậy, trên thực tế nhiều trường hợp Tòa án không thụ lý giải quyết yêu cầu chia DSTK sau 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Vấn đề khó đặt ra là trong trường hợp Tòa án từ chối phân chia di sản khi hết thời hiệu chia thừa kế thì liệu người đang quản lý di sản có được hưởng tài sản không, nếu chấp nhận cho người đang quản lý được hưởng di sản thì thời gian là 10 năm nói trên sẽ chưa đủ so với quy định về chiếm hữu bất động sản ngay tình trong 30 năm mới được công nhận quyền sở hữu theo quy định tại Điều 247 BLDS năm 2005. Theo đó, phải đến 30 năm sau, quyền sở hữu của họ mới được xác lập là quá lâu và người này có thể không còn kịp hưởng. Các di sản không chia được sẽ dẫn đến tình trạng không được xác lập chủ quyền, gây khó khăn trong việc quản lý của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực về quản lý đất đai và tài sản gắn liền với đất cũng như cho chính người sử dụng khi tài sản bị xuống cấp trầm trọng không thể sử dụng được; dẫn đến phát sinh mâu thuẫn trầm trọng, làm mất tình thân trong gia đình, dòng tộc…
Đối với trường hợp khởi kiện để giải quyết tranh chấp về thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện: Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại Mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004[15], Tòa án có thể thụ lý yêu cầu phân chia DSTK sau 10 năm theo dạng vụ việc yêu cầu chia tài sản chung. Tuy nhiên, theo ý kiến của hầu hết thẩm phán Tòa án nhân dân các tỉnh được khảo sát, theo tinh thần hướng dẫn của Nghị quyết, các thừa kế phải cùng ký văn bản hoặc thỏa thuận thống nhất xác định họ là đồng thừa kế, di sản sẽ được coi là tài sản chung của các thừa kế và tài sản thừa kế chưa chia. Yêu cầu này trong thực tế khó thực hiện được vì nếu đã có tranh chấp thì thường một hoặc một số NTK không chịu ký biên bản cùng xác nhận, nhất là NTK đang quản lý di sản. Do đó, hướng dẫn này gần như không được áp dụng trong thực tế, bởi khi các đồng thừa kế đã thống nhất, đã thỏa thuận được thì họ chỉ cần lập biên bản thỏa thuận phân chia tài sản mà không cần khởi kiện ra Tòa án.
Quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế hiện nay có nhiều điểm không phù hợp:
Thứ nhất, quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế không phù hợp với truyền thống của người Việt Nam. Vì từ lâu đời nay, sau khi cha mẹ qua đời, ai đang quản lý, trông coi, sử dụng… di sản thì người đó tiếp tục thực hiện, anh chị em rất ít khi tranh chấp. Nếu có tranh chấp thì chỉ xảy ra đối với người biết quy định về thời hiệu khởi kiện 10 năm. Đặc biệt, đối với trường hợp chia thừa kế theo pháp luật đối với tài sản chung của vợ chồng, bởi thông thường, theo phong tục tập quán, nếu khi cha hoặc mẹ còn sống thì con cái sẽ không yêu cầu chia thừa kế tài sản của người cha hoặc người mẹ đã chết, chỉ khi cả người cha hoặc người mẹ đều chết mới phát sinh tranh chấp về thừa kế tài sản giữa các con và đến thời điểm này thì đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với phần tài sản của người cha hoặc mẹ chết trước.
Thứ hai, thông lệ chung các nước không quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Pháp luật các nước chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ mà không quy định về thời hiệu khởi kiện. Tòa án các nước không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì hết thời hiệu mà chỉ xem xét về thời hiệu khi người có nghĩa vụ yêu cầu miễn trừ nghĩa vụ khi đã hết thời hiệu[16].
Thứ ba, BLDS 2005 không thống nhất với các quy định về tố tụng. Theo đó, từ ngày 01/01/2012 (sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự - TTDS được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực) quy định tại Điều 645 BLDS đã mâu thuẫn với Điều 159 khoản 3 mục a Bộ luật TTDS. Theo đó, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Đối với việc quy định thời hiệu thừa kế, hiện có rất nhiều quan điểm.
Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng, vẫn tiếp tục duy trì thời hiệu khởi kiện thừa kế (giữ nguyên quy định thời hiệu hoặc kéo dài thời hiệu khởi kiện). Tuy nhiên, để người dân triệt để thực hiện thời hiệu khởi kiện 10 năm theo quy định tại Điều 645, hạn chế các trường hợp để quá hạn mới khởi kiện, theo chúng tôi nên có điều khoản quy định bắt buộc phải thông báo cho các đồng thừa kế biết về thời điểm mở thừa kế hoặc công bố di chúc cho những người được hưởng thừa kế theo di chúc. Nếu người được thừa kế đã được thông báo mà không thực hiện đúng thời hiệu khởi kiện đã quy định thì đương nhiên phần của người này được phân chia cho những thừa kế còn lại. Vấn đề thông báo đã được đề cập tại Điều 681 BLDS năm 2005 nhưng không phải là quy định bắt buộc, nên sửa điều luật này theo hướng bắt buộc.
Đối với những trường hợp vì lý do khách quan, người dân không thể khởi kiện về thừa kế đúng hạn (ví dụ: ở xa và vì mâu thuẫn nội bộ, gia đình không báo cho họ biết việc người thân đã chết và họ có được hưởng DSTK của người chết, khi biết được thì đã quá thời hiệu khởi kiện 10 năm; hoặc thời gian dài bị mất liên lạc với gia đình, sau mới liên lạc được thì mới được biết là họ được hưởng di sản từ người thân nhưng đã quá thời hiệu khởi kiện 10 năm để yêu cầu chia thừa kế…) thì cần có quy định bổ sung tại Điều 645 BLDS năm 2005 là: Trường hợp có lý do chính đáng, thời hiệu khởi kiện về thừa kế là 01 năm kể từ ngày biết được thông tin về thừa kế.
Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, cần bỏ các quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế. Quan điểm này cho rằng, thời hiệu yêu cầu để Tòa án căn cứ vào đó mà ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự với lý do hết thời hạn yêu cầu (Điều 155) là bất cập. Pháp luật các nước chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ mà không quy định về thời hiệu khởi kiện. Tòa án các nước không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì hết thời hiệu mà chỉ xem xét về thời hiệu khi người có nghĩa vụ yêu cầu miễn trừ nghĩa vụ khi đã hết thời hiệu. Việc Tòa án từ chối thụ lý cũng như thụ lý nhưng không đưa phán quyết sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Việc Tòa án không đưa ra phán quyết dẫn đến DSTK hết thời hiệu không chính danh chủ sở hữu, sử dụng. Đặc biệt, các giao dịch về đất đai khi pháp luật quy định điều kiện chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận là nguồn gốc đất “không có tranh chấp”. Sự không rõ ràng về hiểu thế nào đất không có tranh chấp dẫn đến các giao dịch liên quan đến tài sản hết thời hiệu khởi kiện này càng khó lưu thông, ảnh hưởng đến quan hệ dân sự. Chúng tôi cho rằng, dù pháp luật quy định hay không quy định thời hiệu thì về nguyên tắc, Tòa án vẫn thụ lý và giải quyết cũng như đưa ra phán quyết di sản đó thuộc về ai./.

 


[1]Pháp luật dân sự Pháp áp dụng nguyên tắc suy đoán pháp lý “đối với những người dưới 15 tuổi thì người nhiều tuổi hơn được suy đoán là chết sau; trên 60 tuổi thì người ít tuổi hơn được suy đoán là chết sau; nếu đàn ông và đàn bà không chênh nhau quá 3 tuổi thì đàn ông được suy đoán là chết sau đàn bà”.
[2]Theo quy định khoản 1 Điều 676 BLDS năm 2005.
[3]Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra, có các quyền và nghĩa vụ do pháp luật quy định để thực hiện các hoạt động trong việc bảo quản, bảo tồn, sử dụng tài sản, thanh toán các khoản nợ liên quan đến di sản và các hoạt động khác nhằm bảo toàn sự toàn vẹn của khối di sản.
[4] Điểm b khoản 1 Điều 639 BLDS năm 2005.
[5]Điểm c khoản 1 Điều 639 BLDS năm 2005.
[6]Điểm a khoản 1 Điều 640 BLDS năm 2005.
[7]Điểm b khoản 1 Điều 640 BLDS năm 2005.
[8] Điều 647 BLDS năm 2005.
1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
[9]Theo Điều 19 BLDS năm 2005 thì người thành niên có NLHVDS đầy đủ.
[10]Khoản 1 Điều 23 BLDS năm 2005 quy định: “Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế NLHVDS”.
[11]Tòa án nhân dân tỉnh Long An
[12] Điều 654. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
 
[13]Điều 670. Di sản dùng vào việc thờ cúng
1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
 
[14] Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
[15] Mục 2. Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004
“2.4. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế
a. Trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:
a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.
a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.
a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
b. Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác để đòi lại tài sản”
[16] Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp “Báo cáo về quan điểm và định hướng lớn trong xây dựng BLDS sửa đổi”, tháng 4, 2012.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 5(261), tháng 3/2014)