Góp ý sửa đổi Bộ luật Dân sự: Chế định nào cho các nghĩa vụ tiếp tục tồn tại sau khi hợp đồng chấm dứt?

01/02/2014

TS. NGÔ QUỐC CHIẾN

Đại học Ngoại thương,

thành viên Trung tâm nghiên cứu Luật quốc tế và châu Âu, Đại học François Rabelais, Cộng hòa Pháp.

Các hợp đồng mà việc thực hiện kéo dài trong một khoảng thời gian có một đặc điểm khác thường, đó là khi kết thúc chúng làm chấm dứt một số nghĩa vụ, nhưng đồng thời cũng có thể làm phát sinh một số nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên, như chẳng hạn nghĩa vụ bảo mật thông tin và nghĩa vụ không cạnh tranh. Mặc dù các điều khoản quy định các nghĩa vụ hậu hợp đồng đôi khi cần thiết cho doanh nghiệp để bảo vệ bí mật kinh doanh, nhưng lại rất bất lợi cho người lao động (NLĐ). Nếu chúng có phạm vi rộng về không gian, thời gian và công việc thì có thể dẫn tới người có nghĩa vụ không có việc làm sau khi hợp đồng chấm dứt (HĐCD). Do đó, chúng ta cần sớm có các quy định điều hòa hai lợi ích đối lập này.
dieu-kien-vay-theo-b-e623_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet 
Trong một hợp đồng mua bán thông thường, khi nghĩa vụ cơ bản là người bán giao hàng cho người mua và người mua trả tiền cho người bán được thực hiện thì các bên hoàn thành nghĩa vụ đối với nhau và được giải phóng khỏi hợp đồng[1]. Nhưng kết thúc hợp đồng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chấm dứt mọi nghĩa vụ. Các mối quan hệ hợp đồng lâu dài hiếm khi có thể chấm dứt trong ngày một ngày hai. Việc thực hiện các nghĩa vụ cơ bản không làm chấm dứt hoàn toàn hợp đồng, bởi vì hợp đồng đã chứa trong lòng nó các mầm mống cho sự ra đời các nghĩa vụ trong tương lai[2]. Chẳng hạn, trong các hợp đồng có quy định về chuyển giao quyền sử dụng bí mật kinh doanh, bên nhận chuyển giao vẫn giữ các thông tin bí mật và những kinh nghiệm mà bên chuyển giao cung cấp và đào tạo cho mình, vì bí mật kinh doanh là những thông tin một khi đã phát ra thì không thể thu hồi được. Để ngăn chặn bên nhận chuyển giao tiếp tục sử dụng các thông mật, bên chuyển giao thường đưa vào trong hợp đồng các nghĩa vụ tiếp tục tồn tại sau khi HĐCD. Các điều khoản quy định các nghĩa vụ tiếp tục tồn tại sau khi hợp đồng có thể tồn tại trong rất nhiều loại hợp đồng khác nhau, từ hợp đồng nhượng quyền thương mại (HĐNQTM), hợp đồng lao động (HĐLĐ), đến hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng phân phối độc quyền, hợp đồng đại lý...
Các nghĩa vụ tiếp tục tồn tại sau khi HĐCD, hay còn gọi là các nghĩa vụ hậu hợp đồng, có thể được hiểu là “các nghĩa vụ phải làm hoặc không được làm có mục đích điều chỉnh quan hệ của các bên sau khi HĐCD”[3]. Có thể xếp các nghĩa vụ hậu hợp đồng vào hai loại. Loại thứ nhất là các nghĩa vụ bắt đầu có hiệu lực khi HĐCD, như chẳng hạn nghĩa vụ hoàn trả những gì đã mượn nhằm thực hiện hợp đồng, nghĩa vụ hủy các tài liệu, nghĩa vụ mua lại hàng tồn kho, nghĩa vụ hoàn trả tài liệu liên quan đến khách hàng… Đây chính là các nghĩa vụ phát sinh hiệu lực khi HĐCD. Thứ hai là các nghĩa vụ đã tồn tại trong quá trình thực hiện hợp đồng và tiếp tục tồn tại khi hợp đồng này chấm dứt (nghĩa vụ bảo hành, nghĩa vụ bảo đảm hàng hóa không bị khiếm khuyết, nghĩa vụ bảo mật thông tin, nghĩa vụ không cạnh tranh...). Tại Việt Nam, Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 dường như mới chỉ nhìn nhận mối quan hệ gắn kết các bên chủ yếu dưới dạng tĩnh, vào thời điểm giao kết hợp đồng, chứ chưa quan tâm đến mối quan hệ hậu hợp đồng của các bên[4]. Bộ luật chỉ có một quy định về nghĩa vụ có thể tiếp tục tồn tại sau khi HĐCD, đó là nghĩa vụ bảo hành (điều 445). Sự thờ ơ này là rất đáng tiếc vì cùng với sự phát triển của các hình thức hợp đồng mới, các điều khoản hậu hợp đồng được sử dụng ngày càng nhiều. Vì vậy bài viết này sẽ tập trung nghiên cứu hai loại điều khoản hậu hợp đồng rất hay được sử dụng, đó là điều khoản bảo mật thông tin (ĐKBMTT) và điều khoản không cạnh tranh (ĐKKCT).
Như mọi loại nghĩa vụ khác, nghĩa vụ tiếp tục tồn tại sau khi HĐCD phải tuân theo các quy định của BLDS. Tuy nhiên, các quy định chung của BLDS hiện nay dường như chưa đủ để bảo vệ lợi ích của bên có nghĩa vụ do tính chất chuyên biệt của chúng, trong khi pháp luật chuyên ngành còn tương đối sơ sài. Mặc dù có cùng bản chất là ngăn cản tự do của bên có nghĩa vụ, nhưng nghĩa vụ bảo mật thông tin và nghĩa vụ không cạnh tranh sau khi HĐCD có những đặc thù riêng và phải tuân theo các điều kiện khác nhau. Sau khi nghiên cứu các điều kiện có hiệu lực của ĐKBMTT (1) và ĐKKCT (2), chúng tôi sẽ đưa ra hướng xử lý hai loại nghĩa vụ này khi hợp đồng bị hủy bỏ (3).
1. Điều kiện có hiệu lực của ĐKBMTT
Dù với tên gọi nào: “nghĩa vụ im lặng”, “nghĩa vụ không tiết lộ”, “nghĩa vụ không thông tin”, hay Non Disclosure Agreement trong tiếng Anh, thì nghĩa vụ bảo mật cũng đều có bản chất pháp lý là một nghĩa vụ không được làm[5] mà nội dung là một hoặc nhiều thông tin và phạm vi được xác định trong không gian và thời gian. Pháp luật hợp đồng của Việt Nam hiện nay đề cao nguyên tắc tự do thỏa thuận, nên các bên có thể tự do đặt tên cho các điều khoản của mình, định ra các thông tin cần bảo mật và thời hạn của điều khoản. Cá biệt, đối với HĐNQTM, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, bên nhận quyền vẫn có nghĩa vụ “giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi HĐNQTM kết thúc hoặc chấm dứt” (khoản 4, Điều 289 Luật thương mại 2005). Sau khi quan hệ HĐCD, việc tiếp tục sử dụng bí quyết kinh doanh có thể bị coi là chiếm hữu bất hợp pháp hay được lợi không có căn cứ pháp lý và bị xử lý theo quy định của pháp luật dân sự[6]. Do điều luật này chỉ quy định chung chung “sau khi HĐNQTM kết thúc hoặc chấm dứt”, nên có thể hiểu rằng bên nhận quyền chịu sự ràng buộc của nghĩa vụ bảo mật không giới hạn trong thời gian, trừ trường hợp bí quyết kinh doanh bị tiết lộ cho công chúng, và như vậy không còn là bí mật kinh doanh nữa.
Thực tiễn cho thấy, trong HĐNQTM, cũng như trong các loại hợp đồng phân phối, hợp đồng chuyển giao công nghệ hay HĐLĐ, bên chuyển giao các quyền sở hữu trí tuệ là bên chiếm ưu thế trong hợp đồng, nên sẽ có xu hướng bao phủ tất cả các thông tin dưới tấm áo khoác bảo mật. Tuy nhiên, theo định nghĩa, bí mật kinh doanh là “thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”[7], hay “không phải là hiểu biết thông thường; có khả năng áp dụng trong kinh doanh và khi được sử dụng sẽ tạo cho người nắm giữ thông tin đó có lợi thế hơn so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng thông tin đó”[8]. Thực tế cho thấy không phải thông tin nào cấu thành bí quyết kinh doanh - đối tượng của nghĩa vụ bảo mật - cũng là những thông tin quan trọng và bí mật. Chính cách kết hợp và sử dụng chúng mới là yếu tố then chốt tạo nên lợi thế kinh doanh. Vậy liệu có hợp lý khi chấp nhận tất cả các thông tin đều có thể nằm trong phạm vi của điều khoản bảo mật? Hơn nữa, không phải tất cả các thông tin cấu thành bí quyết kinh doanh đều có tầm quan trọng như nhau. Một thông tin thuần túy thương mại có thể nhanh chóng trở nên lỗi thời, trong khi một thông tin khoa học kỹ thuật có thể có ích trong một thời gian dài[9]. Hơn nữa, rất có thể bí quyết kinh doanh vào thời điểm chấm dứt hợp đồng không nhất thiết là bí mật kinh doanh của thời điểm ký kết hợp đồng, do nó đã được chỉnh sửa cho phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Trên thực tế, bí quyết kinh doanh là yếu tố vô hình có thể thay đổi theo thời gian để thích ứng với các yêu cầu kinh doanh. Vậy mà, chính bên nhận chuyển giao bí quyết kinh doanh hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với khách hàng mới là người thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng để có thể chỉnh sửa hoặc làm phong phú thêm bí quyết kinh doanh. Khi đó sẽ là bất công nếu cấm anh ta khai thác các thông tin mà anh ta đã tự tạo ra. Hơn nữa, rất có thể một phần bí quyết kinh doanh đã được thể hiện ra bên ngoài, thông qua cách bài trí cửa hiệu, cách phục vụ khách hàng… mà tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy được. Một số thông tin đã được phơi bày hay vật chất hóa ra trước mắt công chúng, và như vậy rơi vào hiểu biết chung mà không ai có quyền cấm người khác tiết lộ. Vậy người nhận chuyển giao quyền sử dụng bí quyết kinh doanh có phải giữ bí mật tất cả các thông tin cấu thành bí quyết kinh doanh được chuyển giao không?
Tại nhiều nước, ĐKBMTT chỉ được liên quan đến các thông tin được một bên thông báo cho bên kia và phải tương xứng với mục đích chính đáng cần bảo vệ. Theo nguyên tắc tự do thỏa thuận, các bên được tự do xác định “mục đích chính đáng cần bảo vệ”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định các thông tin cần bảo mật và mục đích của việc bảo mật thông tin là do bên nắm giữ bí quyết kinh doanh thực hiện. Các hợp đồng gia nhập có đặc trưng là sự bất cân xứng về quyền, do các bên giao kết ở các vị thế khác nhau. Trên thực tế, bên mạnh thế có xu hướng lạm dụng quyền để giành được nhiều lợi nhất cho mình, nên Tòa án tại nhiều nước châu Âu thiết lập cơ chế kiểm soát rất chặt chẽ việc lạm quyền trong hợp đồng[10]. Một nghĩa vụ bảo mật được chứng minh dựa vào một lợi ích cá nhân của người có quyền vẫn có thể bị hủy bởi nó ảnh hưởng đến lợi ích chung. Thật vậy, Tòa án Tối cao Pháp đã quyết định rằng một điều khoản bảo mật là vi phạm pháp luật vì có bản chất tạo ra một “bí mật giả tạo” ngăn cản tự do cạnh tranh. Cụ thể, trong một phán quyết ngày 27/01/1998, Tòa án Tối cao Pháp đã xét rằng “ĐKBMTT trong các thỏa thuận giữa công ty Galec và các công ty bán bột giặt đã có hậu quả phi cạnh tranh không chỉ đối với các nhà sản xuất khác mà còn cả đối với các công ty phân phối vì bị rơi vào một hoàn cảnh bất lợi so với các công ty phân phối khác được hưởng các chiết khấu bí mật”[11].
Như đã nói ở trên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, người nhận chuyển giao quyền sử dụng bí quyết kinh doanh có thể có những cải thiện bí quyết kinh doanh này. Vấn đề đặt ra là liệu anh ta có thể sử dụng hoặc tiết lộ các thông tin này không? Pháp luật thực định của Việt Nam không có câu trả lời. Tại châu Âu, câu trả lời có vẻ như phụ thuộc vào việc các hoàn thiện, bổ sung này có thể tách rời được hay không bí quyết kinh doanh ban đầu. Theo Ủy ban châu Âu, nếu chúng tách rời được bí quyết kinh doanh ban đầu, thì bên nhận quyền có thể sử dụng chúng sau khi HĐCD. Còn ngược lại nếu chúng gắn liền với bí quyết kinh doanh, thì việc sử dụng hay tiết lộ chúng là không thể. Trong vụ tranh chấp giữa công ty Computerland và các bên nhận quyền nhãn hiệu này liên quan đến ĐKBMTT theo đó các bên nhận quyền không được sử dụng bất kỳ thông tin nào trong bí quyết kinh doanh sau khi HĐCD, Ủy ban châu Âu đã quyết định rằng các bên nhận quyền “được tiếp tục sử dụng các đổi mới và hoàn thiện mà họ mang lại cho bí quyết kinh doanh vì những thông tin bổ sung này có thể tách rời được hệ thống Computerland”[12].
Giải pháp này vừa mang tính hợp lý vừa mang tính khuyến khích. Nó hợp lý bởi vì sẽ là không công bằng nếu cấm bên nhận chuyển giao bí quyết kinh doanh sử dụng những gì do anh ta tạo ra bằng công sức của chính mình. Để cho bên chuyển giao bí quyết kinh doanh hưởng thành tựu từ những nỗ lực của bên nhận chuyển giao cũng chính là thừa nhận quyền được hưởng lợi không có căn cứ pháp luật. Giải pháp này mang tính khuyến khích ở chỗ các bên nhận chuyển giao bí quyết kinh doanh sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để cải thiện bí quyết kinh doanh nếu họ có thể được sử dụng các cải thiện này sau khi HĐCD. Điều này làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên hiệu quả hơn, năng động hơn và doanh nghiệp của các bên trong hợp đồng có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Trong xu thế tự do thông tin và minh bạch hóa, chúng tôi cho rằng chỉ nên coi nghĩa vụ bảo mật thông tin là một ngoại lệ của nguyên tắc tự do thông tin. Một điều khoản quy định tất cả các thông tin đều phải được giữ bí mật có thể bị coi là nhằm tước đoạt quyền tự do thông tin của bên có nghĩa vụ - một quyền Hiến định[13], và như vậy sẽ bị vô hiệu. ĐKBMTT chỉ hợp pháp nếu đồng thời có nội dung và mục đích rõ ràng. Hiệu lực của nó phải được giới hạn trong không gian và thời gian.  
2. Điều kiện có hiệu lực của điều khoản không cạnh tranh
ĐKKCT (non-competition clause) có thể được định nghĩa là một “thỏa thuận hợp đồng theo đó một bên bị tước quyền thực hiện trong một khoảng thời gian và không gian nhất định một hoạt động nghề nghiệp có khả năng cạnh tranh với hoạt động của công ty cũ”[14]. Cũng giống như ĐKBMTT, ĐKKCT cũng tạo ra một nghĩa vụ không được làm một công việc nhất định. Nó cấm bên có nghĩa vụ thực hiện một hoạt động cạnh tranh với công ty có quyền sau khi HĐCD.
ĐKKCT có thể gây ra những bất lợi lớn cho người có nghĩa vụ do nó cản trở tự do lao động, vốn là một nguyên tắc hiến định[15]. Nó không chỉ là một trở lực đối với tự do sản xuất, kinh doanh, mà còn đi ngược lại nguyên tắc tự do cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế. Cũng giống như đối với nghĩa vụ bảo mật thông tin, hiệu lực của ĐKKCT được xác định dựa trên các quy định của BLDS, như tự nguyện cam kết, nội dung và mục đích hợp pháp và không trái với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, những quy định chung này không giúp bảo vệ được lợi ích của bên có nghĩa vụ không cạnh tranh.
Thật vậy, trong lĩnh vực lao động, một Tòa án của Việt Nam đã chấp nhận một điều khoản cấm NLĐ làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho một công ty cạnh tranh sau khi HĐCD. Cụ thể, ông Ram và Công ty Saitex ký một hợp đồng làm việc trong đó có một điều khoản buộc ông Ram trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ không được làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho bất kỳ công ty hay cá nhân nào là đối thủ cạnh tranh của công ty Saitex. Ngay sau khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với công ty Saitex, ông Ram đã làm việc cho một đối thủ cạnh tranh với công ty này. Vụ việc được đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Đồng Nai[16]. Tòa án đã nhận định rằng thỏa thuận giữ Công ty Saitex và ông Ram là một dạng của giao dịch dân sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Điều 26 và 29 Bộ luật Lao động (BLLĐ). Căn cứ vào Điều 122 BLDS, Tòa cho rằng đây là “một thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện giữa ông Ram đối với Công ty Saitex, nếu ông Ram không ký cam kết này thì Công ty Saitex cũng không thể bắt buộc ông Ram được”. Theo Tòa án, “nếu NLĐ làm việc cho một Công ty đối thủ thì đương nhiên Công ty sẽ bị thiệt hại khi bí mật kinh doanh của Công ty bị tiết lộ nên yêu cầu của Công ty Saitex buộc ông Ram tuân thủ điều khoản cạnh tranh tại khoản 2 Điều 3 của HĐLĐ đã ký với Công ty Saitex là phù hợp và có cơ sở”. Từ các nhận định trên, Tòa đã buộc ông Ram “không được làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho bất kỳ Công ty hoặc cá nhân nào là đối thủ cạnh tranh của Công ty Saitex cho đến hết ngày 13/5/2011”.
Rất tiếc, để thừa nhận giá trị pháp lý của ĐKKCT, Tòa án mới chỉ xem xét khía cạnh tự nguyện của các bên giao kết, tức là chỉ một trong các điều kiện quy định tại điều 122 BLDS 2005, chứ chưa đi sâu tìm hiểu xem liệu nghĩa vụ này có “vi phạm điều cấm của pháp luật” hay không. Lẽ ra Tòa nên đặt câu hỏi tại sao một bên lại có quyền cấm bên kia thực hiện một công việc sau khi HĐCD, trong khi quyền tự do lao động đã được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Lao động? Một điều khoản như thế liệu có vi phạm điều 16, Bộ luật Lao động 1994? Khoản 4 của điều này quy định rằng “NLĐ có quyền làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động (NSDLĐ) nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm”[17]. Thỏa thuận không cạnh tranh liệu có trái với khoản 2, điều 30, Bộ luật lao động 1994 cho phép NLĐ “giao kết một hoặc nhiều HĐLĐ, với một hoặc nhiều NSDLĐ”, miễn là NLĐ “bảo đảm thực hiện đầy đủ các hợp đồng đã giao kết”?
Hơn nữa, nhận định rằng đây là “một thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện giữa ông Ram đối với Công ty Saitex, nếu ông Ram không ký cam kết này thì Công ty Saitex cũng không thể bắt buộc ông Ram được” cũng không hoàn toàn thuyết phục và không phản ánh hết được thực tiễn. Trong lĩnh vực lao động cũng như phân phối hàng hóa, NSDLĐ và nhà cung cấp thường là bên soạn thảo và đề xuất hợp đồng. NLĐ và nhà phân phối bán lẻ chỉ có quyền gia nhập hoặc không gia nhập hợp đồng, chứ khó có thể đàm phán điều chỉnh các điều khoản trong hợp đồng đó. Thực tế cho thấy, bên đề xuất hợp đồng có xu hướng đưa vào hợp đồng các ĐKBMTT và không cạnh tranh gây phương hại đến tự do lao động của người có nghĩa vụ. Mặc dù loại thỏa thuận này đôi khi cần thiết cho doanh nghiệp  để bảo vệ bí mật kinh doanh, nhưng lại rất bất lợi cho NLĐ. Nếu thỏa thuận này có phạm vi rộng về không gian, thời gian và công việc thì có thể dẫn tới NLĐ không có việc làm sau khi HĐLĐ chấm dứt[18].
Thông thường, một nghĩa vụ chỉ được coi là hợp pháp nếu nó có một đối trọng, hay vật đánh đổi[19]. Trong HĐLĐ, đối trọng của nghĩa vụ của NLĐ phải thực hiện các công việc mà NSDLĐ giao là một khoản tiền lương. Đối trọng của ĐKKCT sau khi HĐCD có lẽ cũng phải là một khoản tiền bù đắp cho việc không thực hiện một công việc cạnh tranh - đồng nghĩa với thất nghiệp. Ngoài ra, nghĩa vụ đó phải có căn cứ rõ ràng. Trong vụ việc vừa trích ở trên, căn cứ của nghĩa vụ không cạnh tranh, theo Tòa án, là để bảo vệ “bí mật kinh doanh”. Lập luận của Tòa án “nếu NLĐ làm việc cho một công ty đối thủ thì đương nhiên công ty sẽ bị thiệt hại khi bí mật kinh doanh của công ty bị tiết lộ” chưa thực sự thỏa đáng. Mối liên hệ giữa “làm việc cho một công ty đối thủ” và “bí mật kinh doanh của công ty bị tiết lộ” chưa đủ rõ ràng để dẫn tới hậu quả “đương nhiên công ty sẽ bị thiệt hại”. Chúng tôi cho rằng nếu để bảo vệ bí mật kinh doanh thì một ĐKBMTT là đủ. Chấp nhận một ĐKKCT buộc NLĐ không được tiếp tục làm việc đồng nghĩa với việc tước quyền tự do lao động của anh ta. Một kỹ sư không được làm việc trong lĩnh vực chuyên môn của mình thì còn có thể làm được công việc gì khác?
Trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại, ĐKKCT còn tỏ ra bất lợi hơn đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng bí mật kinh doanh, bởi vì anh ta cũng là một thương nhân khai thác quyền thương mại của nhà cung cấp dưới hình thức công ty. Khi HĐNQTM chấm dứt, bên nhận chuyển giao quyền sử dụng bí quyết kinh doanh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nếu muốn tiếp tục hoạt động, anh ta sẽ phải chờ ĐKKCT hết hạn và như vậy sẽ phải sa thải công nhân và bản thân mình trở thành người thất nghiệp. Mặt khác, trong quá trình khai thác mô hình kinh doanh, anh ta đã có một lượng khách hàng quen, nhưng khi HĐCD thì không thể khai thác lượng khách hàng này, từ đó mất cơ hội kinh doanh. Tình thế này rất có lợi cho nhà cung cấp để tạo sức ép đối với nhà phân phối bán lẻ gia hạn hợp đồng với các điều kiện bất lợi hơn, hoặc “phải” bán lại hệ thống kinh doanh cho mình, vì không còn cách nào khác khả dĩ hơn. Chúng tôi đã thấy trong thực tế có nhiều hợp đồng phân phối giữa công ty nước ngoài và thương nhân Việt Nam có chứa ĐKKCT. Đây có thể là một cách để thương nhân nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam bằng công sức của các bên nhận quyền địa phương.
Do những bất lợi trên mà Tòa án tại nhiều nước đặt ra các điều kiện hết sức khắt khe để dung hòa các lợi ích đối lập, giữa một bên là sự cần thiết bảo vệ bí quyết kinh doanh và một bên là quyền tự do lao động. ĐKKCT không những phải giới hạn trong không gian, trong thời gian, mà còn phải được chứng minh bằng một lợi ích chính đáng cần bảo vệ. Trong lĩnh vực lao động, ngoài các điều kiện trên, ĐKKCT còn phải có đối trọng là một khoản tiền trả cho NLĐ sau khi HĐCD.  
Tại Pháp, ngay từ năm 1900, Tòa Tối cao Pháp đã đặt ra nguyên tắc “tự do kinh doanh và sản xuất chỉ có thể bị hạn chế bởi các thỏa thuận hợp đồng nếu các thỏa thuận này không bao hàm một sự cấm tuyệt đối, nghĩa là chúng phải giới hạn cả trong không gian và thời gian”[20]. Phạm vi của khu vực địa lý này được thẩm phán xác định theo từng vụ việc. Cụ thể, nó có thể là một thành phố, một tỉnh, một khu vực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực lao động, Tòa Tối cao Pháp đã công nhận một ĐKKCT cấm một người đại diện thực hiện mọi hoạt động nghề nghiệp sau khi HĐCD trong một khoảng không gian bán kính 500 km của một thành phố[21]. Trong một số vụ việc khác, Tòa Tối cao Pháp đã cho là hợp pháp các ĐKKCT giới hạn trong một thành phố và ngoại ô[22], trong một quốc gia[23], thậm chí trong lãnh thổ của Cộng đồng châu Âu[24]. Như vậy, phạm vi không gian không tuyệt đối, mà nó tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Bản chất của loại hoạt động có liên quan và tuổi tác của người có nghĩa vụ cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến việc quyết định này[25].
Bên cạnh việc giới hạn trong không gian, Tòa án Pháp còn tìm cách thu hẹp giới hạn trong thời gian của các ĐKKCT. Nếu như trước kia các ĐKKCT có thời hạn vượt quá 2 năm[26], 3 năm[27], thậm chí 30 năm[28] vẫn được coi là hợp pháp, thì hiện nay thời hạn của một điều khoản như thế không thể vượt quá 1 năm khi hợp đồng chứa nó có ảnh hưởng đến thương mại giữa các quốc gia thành viên của EU và có nội dung hoặc hậu quả ngăn cản, hạn chế hoặc làm sai lệch tự do cạnh tranh nội khối. Trong phán quyết Eras liên quan đến các hợp đồng chứa một ĐKKCT cấm bên nhận quyền làm đại diện cho một đối thủ cạnh tranh với bên nhượng quyền trong vòng 3 năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng, Hội đồng cạnh tranh của Pháp đã cho rằng “bên nhượng quyền đã không cung cấp được bất kỳ giấy tờ nào cho phép chứng minh rằng hoạt động gây tranh chấp đòi hỏi một kỹ thuật đặc thù để bên nhận quyền bị ràng buộc bởi một ĐKKCT có thời hạn 3 năm”[29]. Tương tự, Tòa phúc thẩm Paris đã rút thời hạn của một ĐKKCT từ 3 năm xuống 1 năm[30].
Ngoài các điều kiện giới hạn trong không gian và thời gian, Tòa án Pháp còn đặt thêm điều kiện theo đó ĐKKCT phải tương xứng với lợi ích chính đáng cần bảo vệ có liên quan đến nội dung của hợp đồng[31]. Nói cách khác, ĐKKCT phải được coi như một giải pháp không thể thiếu để chống lại nguy cơ tiết lộ bí quyết kinh doanh. Điều kiện này bao hàm hai nội dung: để được coi là hợp pháp, ĐKKCT phải, một mặt hướng tới việc bảo vệ các “lợi ích chính đáng” và mặt khác “tương xứng” với nội dung của hợp đồng chứa nó. Trong lĩnh vực lao động, lợi ích chính đáng là bảo vệ bí mật kinh doanh khỏi việc sử dụng nó bởi NLĐ. Còn trong lĩnh vực phân phối hàng hóa, lợi ích mà bên nhượng quyền tìm cách bảo vệ có thể là bí mật kinh doanh và/hoặc quyền khai thác quan hệ khách hàng. Trong một bản án tuyên ngày 12/03/2002, Tòa Tối cao Pháp đã tuyên bố vô hiệu một ĐKKCT cấm bên nhận quyền hợp tác trực tiếp hoặc gián tiếp với một công ty kinh doanh cùng mặt hàng trên toàn lãnh thổ của Cộng đồng châu Âu trong vòng 2 năm với lý do điều khoản này “không tương xứng với nội dung của hợp đồng”[32]. Tương tự, Tòa phúc thẩm Montpellier đã xử rằng do ngay từ khi chấm dứt các quan hệ hợp đồng, công ty liên kết không còn được sử dụng các dấu hiệu gắn kết khách hàng, nên phạm vi không gian của ĐKKCT “bất tương xứng với nội dung của hợp đồng”[33]. Mới đây, trong một phán quyết mang tính nguyên tắc, Tòa Tối cao pháp đã xét rằng “khi có hậu quả cản trở tự do hành nghề của một NLĐ, một cổ đông hoặc một thành viên của công ty đã tuyển dụng anh ta, ĐKKCT chỉ hợp pháp nếu nó không thể thiếu để bảo vệ các lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, được giới hạn trong không gian và trong thời gian, có tính đến các đặc thù của công việc của NLĐ, và công ty phải trả cho anh ta một khoản tiền đối trọng với nghĩa vụ không cạnh tranh này”[34]. Phần lớn các nước châu Âu cũng đặt ra điều kiện tương tự[35]. Đòi hỏi về đối trọng của nghĩa vụ không cạnh tranh là một khoản tiền này một biện pháp bù trừ cho tự do lao động bị xâm phạm của người có nghĩa vụ. Nó hợp lý về mặt xã hội (bên có nghĩa vụ vẫn có tiền để sống), hà khắc về luật pháp (phải tuân theo đồng thời nhiều điều kiện), và hiệu quả về thực tiễn (chỉ đưa vào hợp đồng ĐKKCT khi thực sự cần thiết).
Trong lĩnh vực phân phối, nhà cung cấp có thể sử dụng các điều khoản bớt hà khắc hơn, như chẳng hạn điều khoản “không gia nhập hệ thống cạnh tranh”. Điều khoản này chỉ cấm bên nhận chuyển giao bí quyết kinh doanh tham gia vào hệ thống của đối thủ cạnh tranh trong một khoảng thời gian (thường là một năm) và trong một không gian nhất định (thường là một thành phố). Anh ta vẫn có thể tiếp tục thực hiện công việc kinh doanh của mình sau khi HĐCD. Như vậy, điều khoản không gia nhập có nội dung hẹp hơn và gây ra ít bất lợi hơn ĐKKCT mà vẫn ngăn chặn được nguy cơ bí quyết kinh doanh rơi vào tay đối thủ cạnh tranh.
Như vậy, ĐKBMTT và ĐKKCT, ngoài việc phải tuân thủ các quy định của BLDS, còn phải có nội dung, mục đích rõ ràng và phải được giới hạn trong không gian và thời gian. Khi thỏa mãn tất cả các điều kiện đó, các nghĩa vụ này sẽ phát huy tác dụng bảo vệ bên có quyền khi HĐCD. Trong thực tế chúng ta thấy hợp đồng có thể chấm dứt theo cách thông thường, nghĩa là khi hợp đồng hết hạn, hoặc khi các bên thống nhất thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Tuy nhiên, cũng có khi hợp đồng bị chấm dứt không theo cách thông thường, chẳng hạn hợp đồng bị hủy bỏ khi xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng. Lúc này câu hỏi đặt ra là liệu các nghĩa vụ hậu hợp đồng này có giá trị, hay nói các khác bên có nghĩa vụ có tiếp tục phải tuân thủ nghĩa vụ bảo mật thông tin và nghĩa vụ không cạnh tranh khi hợp đồng bị hủy bỏ hay không?
3. Hướng xử lý nghĩa vụ bảo mật thông tin và nghĩa vụ không cạnh tranh khi hợp đồng bị hủy bỏ
Pháp luật thực định của Việt Nam cho phép các bên tự do thỏa thuận giao kết cũng như phá bỏ giao kết. Thật vậy, khoản 1, điều 412 BLDS 2005 quy định: “Một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”. Tương tự, theo điều 312 Luật thương mại 2005, hợp đồng có thể bị hủy bỏ nếu “xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng”[36]. Ngoài ra, hợp đồng cũng có thể bị hủy bỏ, mặc dù các bên không có quy định về điều kiện hủy bỏ hợp đồng, nếu một bên “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”[37].
Về hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng, khoản 3, điều 412 BLDS quy định rằng khi bị huỷ bỏ thì hợp đồng “không có hiệu lực từ thời điểm giao kết...”. Theo tinh thần của điều luật này, một hợp đồng bị hủy bỏ thì coi như chưa tồn tại và các bên phải “hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận”. Nói cách khác, chế tài hủy bỏ hợp đồng có giá trị hồi tố. Như vậy, các nghĩa vụ bảo mật thông tin và không cạnh tranh không phát huy tác dụng vì chính bản thân hợp đồng chứa chúng đã bị triệt tiêu như thể chưa bao giờ tồn tại. Điều này rõ ràng rất bất lợi cho bên chuyển giao quyền sử dụng bí quyết kinh doanh.
Tuy nhiên, khảo sát một số văn bản luật chuyên ngành, chúng tôi thấy có một số quy định cho phép một số nghĩa vụ tiếp tục tồn tại khi hợp đồng chứa chúng bị hủy bỏ hoặc bị vô hiệu. Thật vậy, khoản 1, điều 312 và khoản 1, Luật thương mại 2005, cho phép các bên quy định trong hợp đồng việc hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hợp đồng và khoản 1, điều 314, cho phép các bên quy định các quyền và nghĩa vụ có thể tiếp tục tồn tại sau khi hợp đồng bị hủy bỏ. Từ các quy định này có thể suy ra rằng bên nhận chuyển giao bí quyết kinh doanh vẫn phải tiếp tục chịu sự ràng buộc của điều khoản bảo mật và ĐKKCT bất chấp việc hợp đồng bị hủy bỏ vì bất kỳ lý do nào, nếu các bên đã quy định sự tiếp tục tồn tại của chúng khi hợp đồng bị hủy bỏ.
Tương tự, điểm b, khoản 1, điều 52 Bộ luật lao động 2012 buộc các bên “tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động”. Như vậy, Bộ luật lao động đã loại bỏ hiệu lực hồi tố của chế tài hợp đồng bị tuyên vô hiệu. Nói cách khác, HĐLĐ vô hiệu không triệt tiêu các quyền và nghĩa vụ mà các bên đã thực hiện đối với nhau và có thể không làm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong tương lai của các bên đối với nhau. Thiết nghĩ, khi HĐLĐ bị vô hiệu không có hiệu lực hồi tố thì HĐLĐ bị hủy bỏ cũng không thể có giá trị hồi tố, nghĩa là các quyền và nghĩa vụ của các bên bị triệt tiêu như thể chưa bao giờ tồn tại. Nói cách khác, khi HĐLĐ chứa ĐKKCT bị hủy bỏ, thì điều khoản này vẫn có thể tiếp tục tồn tại độc lập với hợp đồng chứa nó. 
Những quy định này là cần thiết cho việc bảo vệ bí mật kinh doanh vốn là thông tin không thể thu hồi được. Khi việc thực hiện hợp đồng, dù không đúng theo các quy định mà các bên đã thỏa thuận, đã làm phát sinh việc chuyển giao thông tin, thì việc áp dụng các quy định về bảo mật theo thỏa thuận của các bên cho giai đoạn hậu hợp đồng là phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh tốt nhất. Theo chúng tôi, sẽ là hợp lý nếu bên nhận chuyển giao bí quyết kinh doanh phải tiếp tục tôn trọng cam kết giữ bí mật đối với các thông tin được chuyển giao, ngay cả khi hợp đồng bị hủy bỏ. Hơn nữa, ĐKBMTT không nhằm mục đích cấm người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi cạnh tranh, mà chỉ buộc anh ta phải giữ im lặng. Vì vậy nó không ảnh hưởng đến lợi ích của người có nghĩa vụ.
Tuy nhiên, đối với nghĩa vụ không cạnh tranh, chúng tôi cho rằng sự tiếp tục tồn tại của nghĩa vụ này có thể sẽ có hậu quả phi lý trong trường hợp hợp đồng bị hủy do lỗi của bên chuyển giao bí mật kinh doanh. Chẳng hạn, nếu hợp đồng bị hủy vì bên chuyển giao không chuyển giao đầy đủ bí mật kinh doanh của mình cho bên nhận chuyển giao, hoặc bản thân bí mật kinh doanh được chuyển giao không còn bí mật hoặc không có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh cho bên nhận chuyển giao, thì khi đó ĐKKCT sẽ mất đi các căn cứ tồn tại của nó. Bên nhận chuyển giao có thể yêu cầu hủy hợp đồng để thu hồi lại các khoản tiền đã trả cho bên chuyển giao. Trong giả thiết này, mặc dù ĐKKCT đã được thành lập hợp pháp và có chức năng điều chỉnh quan hệ của các bên trong giai đoạn hậu hợp đồng, nhưng sẽ là phi lý nếu cho phép nó tồn tại độc lập với hợp đồng bị hủy bỏ. Chúng tôi cho rằng cần phải xem hợp đồng bị hủy do lỗi của bên nào trong hợp đồng để quyết định giữ hay hủy ĐKKCT. Nếu hợp đồng bị hủy do lỗi của người có quyền, thì không có lý do gì để duy trì ĐKKCT. Nguyên tắc hồi tố cần phải được áp dụng và ĐKKCT sẽ bị hủy cùng với hợp đồng.
Kết luận
ĐKBMTT mặc dù không gây nhiều bất lợi cho người có nghĩa vụ nhưng có thể có hậu quả bưng bít thông tin, và như vậy cản trở tự do cạnh tranh. Trên thực tế, bên có quyền thường quy định buộc bên có nghĩa vụ giữ bí mật tất cả các thông tin được cung cấp, mặc dù không phải thông tin nào cũng cấu thành bí quyết kinh doanh-đối tượng của nghĩa vụ bảo mật. Khi đó, ĐKBMTT có thể được sử dụng như là một cái “cớ” để trừng phạt bên có nghĩa vụ. Chúng tôi cho rằng một ĐKBMTT cấm tuyệt đối người có nghĩa vụ tiết lộ bất kỳ thông tin nào phải bị coi là trái với các nguyên tắc Hiến định, và như vậy vô hiệu. 
Tương tự, ĐKKCT sau khi HĐCD có bản chất xâm hại tự do lao động, cũng là một nguyên tắc Hiến định. Nó cần thiết để bảo vệ bí mật kinh doanh của người có quyền nhưng có thể có hậu quả rất bất lợi cho người có nghĩa vụ. Mặc dù các bên trong hợp đồng có quyền tự do giao kết, nhưng việc giao kết không được trái với pháp luật. Chúng ta không nên chấp nhận các ĐKKCT có phạm vi địa lý quá rộng và thời hạn quá dài. Chúng tôi cho rằng chỉ nên cho phép quy định nghĩa vụ không cạnh tranh sau khi HĐCD trong những lĩnh vực mà bí quyết kinh doanh đóng vai trò sống còn đối với doanh nghiệp. Nhưng cần đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt cho hiệu lực của ĐKKCT vì nó đi ngược với các giá trị Hiến định. Việc giới hạn hiệu lực của ĐKKCT một năm sau khi HĐCD ở châu Âu là một kinh nghiệm đáng để chúng ta tham khảo. Trong lĩnh vực lao động, bên có quyền cấm bên có nghĩa vụ thực hiện các công việc cạnh tranh với mình sau khi HĐCD phải có nghĩa vụ đền bù cho người có nghĩa vụ một khoản tiền. Việc xác định phạm vi địa lý và thời hạn hợp lý thuộc thẩm quyền của Tòa án. Cơ quan giải quyết tranh chấp cũng cần phải có cơ chế chống lạm quyền để bảo vệ người có nghĩa vụ, thường là bên yếu thế trong hợp đồng. Khi xem xét bên có quyền có lạm quyền của mình hay không, thẩm phán có thể dựa vào một loạt các tiêu chí như giới hạn trong không gian, trong thời gian và mục đích của nghĩa vụ không cạnh tranh.
Khi ĐKBMTT và không cạnh tranh đã thỏa mãn các điều kiện khắt khe ở trên thì chúng ta nên thừa nhận giá trị độc lập tương đối của chúng so với hợp đồng. Chúng vẫn có giá trị ràng buộc ngay cả khi hợp đồng bị hủy bỏ nếu việc hủy bỏ này bắt nguồn từ lỗi của bên có nghĩa vụ

 


[1] Ngoại trừ một số nghĩa vụ luật định, như nghĩa vụ bảo hành, bảo trì, bảo hiểm…
[2] Về các nghĩa vụ tiếp tục tồn tại sau khi hợp đồng chấm dứt, xem: M. FONTAINE, Les contrats internationaux à long terme (Hợp đồng quốc tế dài hạn), Mél. R. HOUIN, Nxb Dalloz, 1985, tr. 273.
[3] C. CASEAU-ROCHE, Les obligations postcontractuelles (Các nghĩa vụ hậu hợp đồng), Luận án tiến sỹ, Paris I, 2001.
[4] Ngô Quốc Chiến, Le contrat de franchise. Le droit français et le droit vietnamien (Hợp đồng nhượng quyền thương mại, so sánh pháp luật Việt Nam và pháp luật Pháp), luận án tiến sỹ, Tours, 2012, tr. 322 và tiếp theo.
[5] Hay còn gọi là nghĩa vụ không thực hiện công việc. Xem: Đỗ Văn Đại, Luật Nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Bản án và bình luận bản án, Nxb Chính trị Quốc gia, 2012, tập 1, tr. 295 và tiếp theo.
[6] Hoàng Thị Thanh Thuý, Điều khoản bảo mật thông tin và điều khoản cấm cạnh tranh trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, Tạp chí Luật học, số 2/2011, tr. 43 – 50.
[7] Khoản 23, điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005
[8] Khoản 10, Điều 3, Luật Cạnh tranh năm 2004.
[9] Về vấn đề này, xem: M. BÜHLER, Les clauses de confidentialité dans les contrats internationaux (Điều khoản bảo mật trong các hợp đồng thương mại quốc tế”, tạp chí Luật Kinh doanh quốc tế (RDAI) 2002, tr. 359 và tiếp theo.
[10] Về vấn đề này, xem: P. STOFFEL-MUNK, L’abus dans le contrat. Essai d’une théorie (Lý thuyết về lạm quyền trong hợp đồng), luận án tiến sỹ, Aix-Marseille III, 1999, Nxb LGDJ, 2000.
[11] Cass. com., 27/01/1998, pourvoi n° 96-10694, D. aff. 1998, tr. 836.
[12] Quyết định ngày 13/07/1987, Computerland, Công báo Châu Âu 10/08/1987, n° L. 222, point 23 ii).
[13] Điều 69, Hiến pháp 1992.
[14] G. CORNU, Vocabulaire juridique (Từ điển thuật ngữ pháp lý), Nxb PUF, 1992, tr. 446.
[15] Điều 55 Hiến pháp năm 1992.
[16] Bản án số 09/2010/LĐ-ST ngày 10/12/2010.
[17] Quyền tự do lao động này cũng được nhắc lại tại Điều 10 BLLĐ 2012.
[18] Đỗ Văn Đại, sđd, tr. 307.
[19] Xem: Nguyễn Ngọc Điện, Hoàn thiện chế độ pháp lý về xác lập hợp đồng, tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 156, 2009. Theo tác giả, vật đánh đổi sẽ được là một lời hứa về một việc sẽ được thực hiện trong tương lai, ví dụ, sẽ trả một số tiền để đổi lấy một tài sản sẽ được giao. Vật đánh đổi được là vật được giao, việc được thực hiện để đổi lấy một vật, một việc khác.
[20] Cass. req. 2/07/1900, DP 1901, 1, tr. 294.
[21] Cass. com., 20/031973, pourvoi n° 72-10760, Bull. civ. n° 127,
[22] Cass. com., 18/12/1979, pourvoi n° 78-11393, JCP 1980, tr. 88.
[23] Cass. com., 7/11/1984, pourvoi n° 82-16882, Bull. 1984 IV n° 302 ;D. 1985, tr. 204.
[24] Cass. com., 27/10/1981, pourvoi n° 79-15261, Bull. civ. n° 371 ; D. 1982, IR, tr. 204.
[25] M.-E. ANDRÉ, M.-P. DUMONT et P. GRIGNON, L’après contrat (Hậu hợp đồng), Nxb Francis Lefèbre 2005, tr. 161.
[26] Cass. com, 12/1/1988, pourvoi n° 86-12838,Bull. 1988 IV n° 31, tr. 21.
[27] CA Paris, 29/2/1996, Juris-Data n° 020858.
[28] Cass. com., 20 févr. 1979, D. 1979, tr. 248.
[29] Cons., conc., 18/6/1997, arrêt Eras, D. 1998, Som. Com. tr. 223, obs. Y. SERRA.
[30] CA Paris, 26/6/1997, D. affaires 1997, tr. 1185.
[31] Cass. com., 14/11/1995, pourvoi n° 93-16299,D. 1997. Somm. 59, obs. D. FERRIER.
[32] Cass. com., 12/3/2002, pourvoi n°99-14762, ; D. 2003, tr. 902, obs. Y. AUGUET.
[33] CA Montpellier, 21/1/2003, Cah. dr. entr. n° 5, tr. 43.
[34] Cass. com., 15/32011, pourvoi n° 10-13824.
[35] Như chẳng hạn tại Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Italy và Thụy Sỹ. Xem: F. DE LY, Les clauses de non-concurrence dans les contrats internationaux (Điều khoản không cạnh tranh trong hợp đồng thương mại quốc tế), tạp chí Luật Kinh doanh quốc tế, RDAI, số 4, 2006, tr. 441.
[36] Điểm a, khoản 4, điều 312 Luật thương mại 2005.
[37] Điểm b, khoản 4, điều 312 Luật thương mại 2005.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 02+03 (258+259), tháng 2/2014)


Ý kiến bạn đọc